Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt
TPO - Sân bay Utapao hỗn loạn; 45 chuyến bay “xếp hàng” lần lượt trên không để được hạ cánh, trong đó có chuyến bay “giải cứu” hành khách đặc biệt của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA).

18 giờ 30 ngày 29/11, chiếc máy bay Airbus 321 của VNA có sức chứa 184 người khẩn trương cất cánh.

Phi hành đoàn lần này toàn những người “cứng cựa” trong ngành hàng không.

Cơ trưởng Giang sinh năm 1970 nhưng đã rất dày dạn kinh nghiệm không những thế, anh còn là một giáo viên hướng dẫn bay.

Hai phi công, một thợ máy, một an ninh hàng không, một nhân viên phục vụ mặt đất, 3 tiếp viên nam và 4 tiếp viên nữ. Ai làm việc nấy, khoang máy bay vắng ngắt.

Tiếp viên trưởng Vũ Danh Quý kiểm tra tỉ mỉ từng công đoạn phục vụ bởi như anh nói: “Đây là chuyến bay đặc biệt, bà con hành khách đang mệt mỏi, dễ bực dọc nên phải chuẩn bị chu đáo”. Trước đây, anh Quý cũng được tham gia một chuyến bay đặc biệt từ những năm 1990 khi hãng bay sang Hồng Kông chở người tị nạn về nước.

Chỉ mất 1 giờ 30 phút bay, chiếc A 321 đã có thể hạ cánh sân bay quân sự Utapao nằm sát biển. Tuy nhiên, dọc đường đi, cơ trưởng liên tục được thông báo phải “xếp hàng” chính vì thế máy bay thực hiện một hành trình kỳ quái: Bay thẳng một lúc lại phải vòng ngược lại. Nhìn trên sơ đồ bay, hành trình của máy bay giống như chiếc giây thừng bị thắt nhiều nút to.

Do đó vẫn quãng đường đi đáng lẽ chỉ 1 giờ 30 phút là hạ cánh, nhưng máy bay đã “xếp hàng” trên không 3 tiếng đồng hồ. Nhân viên phục vụ mặt đất Nội Bài Trần Đức Hiệp cho biết: “Trước khi bay đã nạp 15 tấn nhiên liệu. Bay 1 giờ 30 phút tiêu hết 4 tấn nhiên liệu. Như vậy là mất 8 tấn nhiên liệu mới hạ cánh được sân bay Utapao”.

21 giờ 30, máy bay hạ cánh. Sân bay Utapao bé tí nhưng ken dày đặc các loại máy bay chở khách, trông như xe ô tô khách đang chờ “lốt”. Máy bay của VNA đỗ cách nhà ga nửa cây số. Trên đường đi vào nhà ga (nhỏ xíu-PV), xe buýt chở khách chạy như mắc cửi. PV Tiền Phong và cán bộ đại diện của VNA phải vất vả lắm mới vào tới nơi.

Hỗn loạn, rác rưởi, mệt mỏi là những điều đập vào mắt đầu tiên. Phòng chờ bé tí nhưng phải chứa một lượng người khổng lồ, đủ mọi quốc tịch. Cả nhà ga chỉ có 4 quầy làm thủ tục, một máy soi chiếu. Dòng người nhốn nháo như muốn xô đổ cổng ra máy bay. Dưới nền nhà, giấy báo và các loại vật dụng nằm vung vãi. Trong ánh đèn nê-ông, khách da trắng hay da đen cũng đều trông mệt mỏi, lo âu.

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 1
Hành khách trải giấy báo, vạ vật ở sân bay Utapao, Thái Lan  Ảnh : Đình Thắng

Như một bến xe

Trên lối hành lang ngoài nhà ga, một số nhân viên của hãng hàng không nào đó đang trải cả đống hộ chiếu của khách để chuẩn bị làm thủ tục. Một gia đình hành khách người Hồi giáo tuy đã lọt được vào sân bay nhưng lại đang chờ xe chở ra máy bay nên đứng, ngồi vật vạ.

PV Tiền Phong đang tác nghiệp, một nhân viên phục vụ mặt đất mặc áo của Thai Airway xua tay: “Bay hãng nào, đứng im đấy!”. Anh này liên tục hướng dẫn khách ra xe buýt chở ra máy bay.

Trưởng đại diện VNA tại Thái Lan Đỗ Khôi Nguyên người nhỏ thó chạy hết nơi này nơi kia, quay lại nhắn: “Đừng đi lung tung, nhà chức trách sân bay giữ lại thì phiền lắm”.

Mãi vẫn chưa thấy hành khách Việt Nam đâu. Thi thoảng lại thấy từng tốp lính mặc đồ rằn ri tuần tiễu qua. Một cảm giác lo sợ xuất hiện, tôi định vượt sang nhóm khách châu Á chụp ảnh thì một nhân viên sân bay người Thái Lan lại chạy ra thét “Đứng im, đi đâu!”. “Tôi là nhà báo đến từ Việt Nam”- Tôi đáp và họ để yên.

Từ lúc máy bay hạ cánh, phải đến 22 giờ 30 phút mới đến lượt hành khách của VNA làm thủ tục lên máy bay. Những người đầu tiên xuất hiện như reo lên khi thấy mấy cán bộ đeo thẻ VNA. Trông hành khách Việt chẳng đến nỗi nhếch nhác như nhiều khách hãng khác đang la liệt ở sân bay.

Trợ lý khai thác bay của Văn phòng VNA tại Thái Lan Đỗ Khắc Thụ cho biết: “Chúng tôi gần như chạy tới giành lấy một quầy để làm thủ tục. Từ 10 giờ sáng tới 0 giờ có những 45 chuyến bay tới sân bay này”.

Sân bay quân sự Utapao cách Bangkok khoảng 200km, Vietnam Airlines không hạn chế đối tượng chuyên chở nhưng hành khách phải tự túc phương tiện đến sân bay và tiền mua vé. Điều này gây nhiều khó khăn cho hành khách trong việc tìm đường xuống sân bay Utapao.

Nhiều người đã bị lạc do không biết đường hoặc bị kẹt xe hiện vẫn chưa liên lạc được.

Chuyến bay đêm 29/11 có 184 hành khách đăng ký nhưng cuối cùng chỉ có 168 người đến được sân bay (trong đó có một số trẻ nhỏ). Hiện sân bay Utapao đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng và VNA vẫn đang thương thuyết để tiếp tục bố trí các chuyến bay “giải cứu” nhưng chưa có lịch trình cụ thể.

Nữ tiếp viên phó (một trong 3 tiếp viên phó cùng tham gia chuyến bay) Bùi Lê Uyên là một người giàu kinh nghiệm, chuyên phục vụ trên những chuyến bay đường dài như Hà Nội-Matxcơva, sau khi chứng kiến cảnh hành khách vỗ tay đã thốt lên: “Thật cảm động vì bà con đã phải chờ đợi mệt mỏi và lo lắng nhiều ngày ở nơi có diễn biến phức tạp nhưng vẫn nhớ tới phi hành đoàn. Đây là một chuyến bay đầy dấu ấn. Ngày mai, tôi và các đồng nghiệp lại tiếp tục thực hiện những chuyến bay khác”.

Tại sân bay quân sự Utapao, không chỉ có tiếng gầm rú cất hạ cánh liên tục của các chuyến bay mới nhắc tới sự bận rộn bất thường của sân bay này.

Phỏng vấn một tài xế lái xe buýt chở khách ra máy bay, anh này cho biết tên dịch ra tiếng Anh là “Think”. Trên buồng lái của Think la liệt những ống nhỏ có tên “MD-150”. Hỏi ra mới biết đó là thuốc tăng lực.Think phải sử dụng loại này vì anh ta phải điều khiển xe liên tục từ 10 giờ sang tới 0 giờ.

Ngoài sự nhếch nhác của đa số hành khách hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất của các hãng cũng “tả tơi” không kém vì hoạt động hết công suất.

Điều kỳ lạ nhất là sân bay này cho phép cả loại xe buýt 2 tầng kềnh càng vào tận cầu thang máy bay-điều vốn kiêng kỵ với an toàn hàng không.

Cả xe điện nhỏ của địa phương cũng được huy động tối đa. Càng về khuya, khung cảnh sân đỗ máy bay càng giống một bến xe nhộn nhịp.

Ở khách sạn 5 sao tránh biểu tình

Hành khách Nghiêm Ngọc Vân Anh (chuyên viên làm nhãn hiệu cho L’oreal Việt Nam) vừa đến chân thang máy bay bỗng reo lên: “Cám ơn Vietnam Airlines!”. Nhiều người khác cũng hô theo.

Vân Anh sang Thái Lan đã 3 ngày, tình hình căng thẳng, chưa biết cách nào về, tiền lại hết phải gọi về Cty ở Việt Nam nhờ “viện trợ”. Trước đó đã tính tới phương án bay hãng khác sang Malaysia, sau đó bay về Hà Nội.

Vất vả nhất có lẽ là mẹ con chị Hoàng Thị Thủy quê ở Hải Phòng. Chị Thủy bay từ Iceland bằng vé của Thai Airway quá cảnh Bangkok. Máy bay hạ cánh ở Suvarnabhumi gặp biểu tình, chị Thuỷ và đứa con 1 tuổi phải ngồi lì 8 tiếng trên máy bay. Sau đó hãng này bố trí cho ở một khách sạn 5 sao.

Quá sốt ruột, chị nhờ người mua vé của VNA về nước vì không thể liên hệ được với người của Thai Airway. Từ khách sạn ra sân bay Utapao, 3 xe buýt đi trước xe chị đã gây tai nạn liên hoàn, không biết người ngồi trên xe sống chết ra sao. Phạm Thị Hương-sinh viên năm cuối khoa Ngoại  ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Nhóm du lịch bọn tôi có 15 người toàn nữ. Một số bạn khóc vì lo sợ, nhớ nhà.

Tuy nhiên, đại diện của đơn vị du lịch Thăng Long Tour đã thu xếp cho ở khách sạn 5 sao giữa Bangkok. Đại diện của Tổng Cục Du lịch Thái Lan cũng túc trực tại khách sạn để trấn an khách và trả tiền ăn, nghỉ. Họ nói cứ yên tâm ở đây.

Nếu muốn về, họ lo xe ra sân bay nhưng sẽ không chịu trách nhiệm nếu bất trắc xẩy ra”. Chị Ngọc Chi (cán bộ Phòng Quan hệ Quốc tế - Đại học Y Hà Nội) dẫn đoàn công tác cũng cho biết: “Nhờ biểu tình mới biết khách sạn 5 sao ở Bangkok nhưng cũng sợ bị khủng bố như khách sạn 5 sao ở Ấn Độ thì nguy”.

23 giờ 30, máy bay mới cất cánh về nước. Chuyến bay “giải cứu” hạ cánh Nội Bài lúc 1 giờ sáng ngày 30/11, hành khách vỗ tay râm ran. Ai đó reo lên: “Về nhà rồi, sống rồi, ở khách sạn 5 sao cũng hết hồn”. Gần 2 giờ sáng, nhiều phóng viên các báo và người nhà ôm hoa đến đón trước cổng ra sân bay.

Đưa tiếp máy bay A321 sang sân bay Utapao

Thông tin mới nhất từ phía Vietnam Airlines (VNA) tối 30/11 cho biết, Tổng GĐ Phạm Ngọc Minh vừa quyết định bằng mọi cách hãng phải tổ chức thêm chuyến bay mới để chở hành khách Việt đang bị kẹt tại Thái Lan về nước. Được biết VNA đang nỗ lực xúc tiến các thủ tục tiếp theo để đưa máy bay Airbus 321 đi chuyến thứ 2 sang sân bay quân sự Utapao.

Theo đó, nếu mọi chuyện thuận lợi, sáng  thứ Ba (2/12), chuyến bay này sẽ cất cánh. VNA cũng mong bà con liên hệ với các số điện thoại nóng của đại diện Văn phòng của hãng tại Bangkok: +662 6554137/38/39/40 hoặc +668 18291616 gặp ông Đỗ Khôi Nguyên (Trưởng đại diện) để được hỗ trợ và đặt chỗ trên chuyến bay tăng cường tới sân bay Utapao.

Chùm ảnh đi "giải cứu" hành khách tại sân bay quân sự Utapao, Thái Lan :

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 2
Cơ trưởng Giang tự tin trước giờ "xuất kích". Ảnh : Đình Thắng
Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 3
Phi hành đoàn và PV Tiền phong Đình Thắng trước giờ xuất phát. Ảnh : Đình Thắng
Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 4
Máy bay các hãng đỗ ngổn ngang trong sân bay Upatao. Ảnh : Đình Thắng
Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 5
Hành khách trải giấy báo, gặm bánh mỳ vạ vật ở sân bay Utapao, Thái Lan. Ảnh : Đình Thắng
Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 6

Mẹ con chị Thuỷ từ Iceland  "vật vã" trong sân bay. Ảnh : Đình Thắng

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 7

Nhân viên các hãng hàng không "phơi"hộ chiếu khách ra vỉa hè nhà ga. Ảnh : Đình Thắng

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 8

Mẹ con chị Thuỷ từ Iceland về đã ngồi trên máy bay VNA an toàn. Ảnh : Đình Thắng

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 9
168 hành khách nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Ảnh : Đình Thắng
Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 10

Đại diện VNA tại Thái Lan vừa hoàn thành nhiệm vụ với chuyến bay "giải cứu" hành khách đầu tiên. Ảnh : Đình Thắng

Theo chuyến bay “giải cứu” hành khách Việt ảnh 11

Cơ trưởng Giang vừa hoàn thành nhiệm vụ, nhập cảnh về nước. Ảnh : Đình Thắng

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.