Góc nhìn từ trên cao núi lửa Nâm B’lang, huyện Krông Nô, Đắk Nông |
Đi bộ khoảng 9km trên cung đường gập ghềnh đá núi lửa để đến hang P8, đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh kỳ vĩ của vùng đất có giá trị to lớn về mặt di sản địa chất này.
Hang động P8 chưa được đưa vào khai thác du lịch. Đây là một trong những hang nổi bật có cấu tạo đặc biệt thẳng đứng với chiều sâu đến 26m và chiều dài gần 290,4m.
Để xuống hang phải có kỹ thuật đi bằng dây chuyên dụng bởi cửa hang là kiểu nguyên sinh tiêu biểu được hình thành do hiện tượng thoát khí của dòng dung nham. Tất cả các thành viên được phép xuống đáy hang đều là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu hang động đến từ khắp nơi trên thế giới như Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan,...
Theo các nhà khảo cổ, hang P8 là sản phẩm của hoạt động phun trào núi lửa Chư B'luk xảy ra cách ngày nay 700.000 - 200.000 năm thuộc giai đoạn Pleistocene giữa, hệ tầng Xuân Lộc.
PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), cho biết các công viên địa chất ở miền Bắc Việt Nam chiếm diện tích 60%-70 % là đá vôi. Trong khi đó, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan.
Toàn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động được đo vẽ hơn 10.000m.
Theo thông tin từ Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ một nửa diện tích bởi các lớp dung nham bazan. Cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, trong Công viên địa chất Đắk Nông đã phát hiện 5 núi lửa, gồm: Núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút); núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (huyện Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (huyện Đắk Mil). Các núi lửa trên đều hoạt động theo kiểu phun trào, phun nổ hoặc đồng thời cả phun trào và phun nổ, hoặc phun trào khe nứt.
Một số hình ảnh theo chân đoàn thám hiểm hang động núi lửa P8:
Đoàn các chuyên gia Trekking đến hang P8 |
Trang bị đồ bảo hộ cần thiết xuống hang |
PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) tham gia đoàn thực tế |
PGS.TS Trần Tân Văn xuống hang đầu tiên |
Chuyên gia hang động người Nhật Bản xuống hang bằng thiết bị chuyên dụng |
Miệng hang tròn, trần hang phủ dung nham |
Bên trong hang là hàng loạt những cấu tạo điển hình đối với hang động dung nham, các loại nhũ với màu trắng sữa dọc theo các khe nứt |
Khoảng cách tường hang rộng, trần hang cao |
Các chuyên gia đến từ các nước Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan,... |