Thêm nhiều ca nguy kịch vì uống rượu chứa methanol

Thêm nhiều ca nguy kịch vì uống rượu chứa methanol
TPO - Mặc cảnh báo của các cơ quan chức năng, số người ngộ độc do uống rượu có methanol vẫn tăng, nhiều người trong số họ sau khi nhập viện đã vĩnh viễn không còn cơ hội sống.
Thêm nhiều ca nguy kịch vì uống rượu chứa methanol ảnh 1

BS đang khám cho một bệnh nhân ngộ độc rượu 

Thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong các ngày 6-8/3, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận thêm 4 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 3 ca được chỉ định lọc máu cấp cứu để thải trừ cồn methanol; 2 ca vẫn trong tình trạng hôn mê sâu và có tiên lượng rất xấu, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện do ngộ độc rượu lên con số 14 ca ngộ độc. 

Trong số 4 bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc có 2 bệnh nhân cùng quê ở Thuận Châu, Sơn La đang làm công nhân ở Hà Nội và uống rượu cùng một chỗ. Sau 18 gờ uống rượu, bệnh nhân L.V.M (40 tuổi, Thuận Châu, Sơn La) xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt, ngừng tuần hoàn đã được tuyến trước cấp cứu và chuyển về Trung tâm Chống độc ngày 8/3 trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được điều trị theo hướng ngộ độc methanol: bệnh nhân được chỉ định thở máy, lọc máu để thải trừ methanol và điều trị tích cực. 

Tuy nhiên, do tình trạng ngộ độc quá nặng nên hiện tại bệnh nhân vẫn đang được duy trì thuốc vận mạch và trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu. 

Bệnh nhân L.V.H (38 tuổi, Thuận Châu, Sơn La) - là người cùng quê và uống rượu cùng chỗ với bệnh nhân L.V.M. Sau khi uống rượu gần 1 ngày, bệnh nhân cũng xuất hiện tình trạng đau đầu, mờ mắt, khó thở, thở nhanh và toan chuyển hóa. 

Thêm nhiều ca nguy kịch vì uống rượu chứa methanol ảnh 2

Bệnh nhân ngộ độc rượu được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu

Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu. Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh nhân L.V.H may mắn hơn bệnh nhân L.V.M là bị ngộ độc methanol nồng độ nhẹ hơn nên sau khi được lọc máu thải trừ methanol, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, ổn định, đã rút nội khí quản và thị lực đang dần được cải thiện.

 Bệnh nhân thứ 3 là H.V.Q (40 tuổi) quê ở Đông Triều, Quảng Ninh đang làm thêm tại Hà Nội. Bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa phận quận Cầu Giấy. Sau khi uống rượu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng hôn mê, toan chuyển hóa nặng, đã được tuyến dưới đặt nội khí quản và chuyển đến Trung tâm Chống độc ngày 6/3. Bệnh nhân đã được lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, điều trị tích cực.

 Tuy nhiên do bị ngộ độc quá nặng nên hiện tại bệnh nhân vẫn hôn mê sâu. Kết quả chụp não cho thấy não bị tổn thương nặng và bị xuất huyết 2 bên. Được các thầy thuốc giải thích tiên lượng xấu, chiều 9/3, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Bệnh nhân thứ 4 bị ngộ độc methanol đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc là một nam thanh niên người nước ngoài (35 tuổi) trú tại phố Pháo Đài Láng (Q.Đống Đa), dạy ngoại ngữ tại Hà Nội, vào viện hôm 7/3 trong tình trạng mờ mắt, đau đầu. 

Người nhà cho biết, các ngày trước khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân uống rượu tại nhà nhưng mua rượu ở quán ngay gần nơi cư trú. Đến chiều 6/3 thì xuất hiện mờ mắt nên đến khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. 

Thêm nhiều ca nguy kịch vì uống rượu chứa methanol ảnh 3

Như vậy, từ ngày 22.2 - 8.3/2017 tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 14 ca ngộ độc loại rượu cồn công nghiệp methanol vào điều trị, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong; 1 trường hợp gia đình xin về. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng chủ yếu sống và làm việc tại Hà Nội, có uống rượu, mua rượu tại các quán, các cửa hàng trên địa bàn Hà Nội (Trong đó có 7 trường hợp sống và mua rượu trên địa bàn quận Đống Đa). 

Thêm nhiều ca nguy kịch vì uống rượu chứa methanol ảnh 4

Theo Th.s - BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc methanol là do tự tử hoặc sử dụng methanol làm đồ uống thay thế cho ethanol... Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). 

Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.

MỚI - NÓNG