Thêm ví dụ về mặt bằng sách dịch

Thêm ví dụ về mặt bằng sách dịch
Trong "Ai đã lấy đi miếng pho mát của tôi", bất cứ trang nào cũng đầy lỗi dịch thuật, diễn đạt, chính tả. Hai nhân vật chính lẽ ra nên dịch tí hon thì lại  người lùn, vừa sai vừa phản cảm....

Vừa qua, có chuyện Cty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News ) tố cáo một đơn vị khác là ECO Press vừa đạo văn vừa xuất bản trái phép cuốn “Ai đã lấy đi miếng pho mát của tôi?”

Sự thể thế này: Cuốn “Who moved my cheese?” (Ai lấy miếng pho mát của tôi?) được First News mua bản quyền trực tiếp với tác giả Spencer Johnson hồi tháng 8/2005, đến tháng 10/2005 thì phối hợp cùng NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành bản tiếng Việt.

Cùng thời gian này trên thị trường xuất hiện một cuốn có tên gần giống “Ai đã lấy đi miếng pho mát của tôi?”- ECO Press thực hiện, NXB Thống kê ấn hành. Trích ngang kế hoạch xuất bản cấp ngày 1/11/2004.

Theo ông Phước - Giám đốc First News, điều này có vẻ để hợp lý hoá so với thời điểm xuất bản của First News nhưng lại vi phạm công ước Bern (26/10/2004).

Trang 3 “Ai đã lấy đi miếng pho mát của tôi?” có dòng đề từ “Thân tặng tất cả những người thân của chúng tôi và những người đang trăn trở, vượt qua những khó khăn, thử thách tinh thần và đang ấp ủ niềm tin trong cuộc sống để đạt được ước mơ của mình”.

Theo ông Phước, đây là hành động “ăn vụng không biết chùi mép” của ECO Press, vì những dòng này vốn không phải nguyên bản cuốn sách, mà chính First News nghĩ ra, đề từ trong không chỉ một mà các tập của bộ “Hạt giống tâm hồn”. Nguồn dịch có thể 1 nhưng thứ riêng có, riêng tặng thì sao có thể trùng đến từng dấu phẩy!

Tạm bỏ qua chuyện tranh chấp giữa 2 bên, đọc bản dịch của ECO, thấy quả xứng đáng góp phần vào thảm hoạ dịch thuật chung.

Trước hết, tên sách. Dịch như vậy là thừa 2 chữ: đã, và đi. Chỉ cần “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” Chả lẽ cứ động từ quá khứ thì nhất thiết đã. Ruột sách cũng thường xuyên như vậy, không có thì quá khứ, cũng: “Tôi nghĩ tôi đã thích nó”.   

Tên tác giả sai từ bìa và cứ thế sai tiếp ở trong: Spencer Jonson. Chính xác là Johnson. Không cần biết Johnson người khá nổi tiếng trong mảng sách nghệ thuật sống của Mỹ cũng nhận thấy thiếu chữ h.

Những trang đầu tiên in phát biểu của các nhân vật và công ty danh tiếng trên thế giới ca ngợi ảnh hưởng của sách đối với họ. Mặc dù đề rõ tên người và đơn vị nhưng khó mà tin. Ví dụ: “Ai đã lấy đi miếng pho mát của tôi?” chứa đựng các sự thật về cuộc sống đơn giản dễ tiêu hóa” “Spencer Johnson đã mở mắt tôi ra trước các thay đổi diễn ra vùn vụt cạnh tôi mà tôi chưa thể định danh. Đây là một cuốn sách phải đọc cho thiên niên kỷ  mới”...

Bất cứ trang nào cũng đầy lỗi dịch thuật, diễn đạt, chính tả:  “Câu truyện ngụ ngôn” “Là một bản đồ chỉ đường đơn giản, dễ hiểu để mỗi khi chúng ta dùng khi ta ứng phó với các tình huống riêng lẻ của chính chúng ta xoay quanh sự thay đổi”... Hai nhân vật chính lẽ ra nên dịch tí  hon thì lại  người lùn, vừa sai vừa phản cảm. Thậm chí “Hai những người lùn”. Cùng hai người đó mà lúc họ lúc chúng, lúc ông, loạn cả lên.

Bìa cuối- màu vàng khè, và điển hình của quảng cáo ngoa ngôn ngụy ngữ “Được viết cho mọi thời đại, câu chuyện này không mất tới một giờ để đọc, nhưng những hiểu biết sâu sắc độc đáo của nó có thể kéo dài suốt cả một đời”.

Tình hình xuất bản bê bối có lẽ không riêng ta, có nhà văn nước ngoài từng nói đại ý: Sách bây giờ 10 phần thì 9 phần là rác. Chắc có quá lời, song người đọc hãy cảnh giác, kẻo đương dưng mất tiền tha rác về nhà+ mua lấy bực vào người. Kể cả cho không, cũng chẳng báu gì. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.