Thêm kênh bán hàng 'chia lửa' với lực lượng đi chợ hộ ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên siêu thị liên tục lên đơn hàng cho khách
Nhân viên siêu thị liên tục lên đơn hàng cho khách
TPO - “Đi chợ hộ” đa số đều thông qua lực lượng hỗ trợ như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố. Trong khi lực lượng hỗ trợ mỏng, nhưng nhu cầu đơn hàng rất cao dẫn đến hàng hóa được cung ứng chậm hoặc bị hư hỏng.

Đuối sức

Bà T., tổ trưởng một tổ dân phố ở quận 11 cho biết, đã hết sức “đi chợ hộ” giúp người dân vì nhu cầu quá lớn. “Tôi “đi chợ hộ” từ ngày 23/8 đến nay. Mỗi lần đi được từ 5-10 đơn hàng. Khách không chỉ đặt theo combo của siêu thị mà còn mua thêm từng món riêng như tả, sữa cho trẻ em; nước lau nhà, nước giặt… và nhiều vật dụng cần thiết khác. Ngày nào cũng có nhiều đơn hàng nhờ đi chợ, mà lực lượng hỗ trợ chỉ vài ba người (do một số người bị phong tỏa, cách ly tại nhà do COVID-19). Gần nửa tháng qua, tôi đã kiệt sức, không thể tiếp tục “đi chợ hộ” cho người dân” – bà T. nói.

Cũng nhận “đi chợ hộ” cho khách hàng quen, chị Hồng (nhân viên một cửa hàng trên đường 3/2, quận 10) cho biết, khách nhắn tin vào Zalo những món cần mua. Khi đến ca, chị Hồng vừa soạn hàng, vừa lựa những sản phẩm khách đặt. Đến trưa sẽ đưa hàng tận nơi cho khách.

 Thêm kênh bán hàng 'chia lửa' với lực lượng đi chợ hộ ở TPHCM ảnh 1

Lực lượng shipper không kịp giao hàng cho khách vì lượng đơn hàng lớn

“Lúc đầu, đơn hàng còn ít, một ngày tôi chỉ soạn tầm 3-4 đơn. Nhưng hiện nay, có ngày hơn 30 khách nhắn tin vào Zalo, tôi không kịp soạn hàng chứ đừng nói đến chuyện đi giao. Bù đầu từ sáng đến chiều vẫn không thể đáp ứng hết. Không chỉ riêng tôi, nhiều nhân viên khác cũng đang quá tải” – chị Hồng cho biết.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT mới đây, lãnh đạo quận Bình Thạnh thừa nhận việc triển khai đi chợ hộ cho người dân trên địa bàn đang gặp nhiều vấn đề khó khăn. Các phường đã nỗ lực tổ chức lực lượng để triển khai nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Mặt khác, vì phải lựa hàng, thủ tục thanh toán quá lâu nên khi chuyển hàng đến người dân, hàng không còn tươi ngon.

 Thêm kênh bán hàng 'chia lửa' với lực lượng đi chợ hộ ở TPHCM ảnh 2

"Siêu thị dã chiến" Trung tâm văn hóa quận 5 huy động cả giáo viên, ban quản lý chợ... soạn hàng, "đi chợ hộ" và giao hàng tận nơi. Tuy nhiên đơn vị cũng chỉ đáp ứng tối đa 400 đơn hàng/ngày.

Đại diện một số hệ thống siêu thị cũng thừa nhận hình thức đi chợ hộ vẫn được phối hợp với các địa phương để triển khai. Song siêu thị quá tải nên giao hàng chậm và lực lượng đi chợ hộ ở các phường còn ít, thiếu kinh nghiệm dẫn đến nhiều khó khăn trong khâu phân phối hàng hóa đến người dân.

Tăng kênh bán hàng

Gần đây, nhiều siêu thị đã mở thêm cửa hàng, hoạt động lại kênh online, tăng thêm nhân lực để cung ứng hàng hóa được nhanh hơn.

Bên cạnh đó, một số kênh phân phối hiện đại còn tận dụng công nghệ hiện đại để phân phối hàng hóa. Cụ thể, đại diện Satra cho biết, Siêu thị Sài Gòn sẽ kết hợp Công ty CP Be Group để đưa “siêu thị thu nhỏ” xuất hiện ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be.

 Thêm kênh bán hàng 'chia lửa' với lực lượng đi chợ hộ ở TPHCM ảnh 3

Nhân viên Siêu thị Sài Gòn kiểm tra đơn hàng của khách

Theo đó, Siêu thị Sài Gòn thiết kế 12 combo với giá dao động từ 120.000 - 560.000 đồng/combo. “Giá trị đơn hàng được tính thêm cước phí giao hàng và phí dịch vụ đi chợ hộ cố định (15.000 đồng/đơn hàng). Đơn hàng được tài xế nhận đơn sẽ được giao trong vòng 2 tiếng đồng hồ” - đại diện Siêu thị Sài Gòn cho biết.

Tuy nhiên, tài xế Be chỉ nhận và giao hàng cho Siêu thị Sài Gòn trong nội quận 10. Cũng theo Satra, dự kiến trong ngày 8/9, Siêu thị Phạm Hùng cũng sẽ bán hàng trên ứng dụng này Be và trước mắt áp dụng giao hàng trong khu vực huyện Bình Chánh.

Trước đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food cũng đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá” để kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung.

 Thêm kênh bán hàng 'chia lửa' với lực lượng đi chợ hộ ở TPHCM ảnh 4

Nhiều siêu thị phối hợp với hãng công nghệ lập "siêu thị mini" trên ứng dụng để "đi chợ hộ" và giao hàng nhanh hơn.

Bà Võ Thị Ngọc Hường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food cho biết: “Thay vì vừa phải “tung” lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân thì giờ mỗi địa phương chỉ cần cử ra một người làm đầu mối gom đơn và gửi đến Co.op Food. Sau khi nhận được đơn hàng, Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, các lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến các hộ dân trong khu vực”.

Chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market đã triển khai ứng dụng BIPBIP tại nhiều quận như Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, TP Thủ Đức. Theo đó, người dân có thể mua trực tiếp các nhu yếu phẩm hàng ngày theo từng combo riêng với giá chỉ từ 120.000 đồng và được giao đến tận nhà hoặc cơ quan địa phương.

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cũng cho biết đang kết nối triển khai chương trình túi combo nông sản chất lượng cao cung cấp cho người dân TPHCM với số lượng lớn từ nay đến ngày 15/9. Hiện các gói combo được các doanh nghiệp thiết kế đa dạng về chủng loại, phong phú về mức giá.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.