Sau khi phát hiện thêm 1.048 ca mắc mới đậu mùa khỉ vào ngày 27/7, tổng số ca bệnh ở Mỹ đã lên đến 4.639 ca, đứng đầu thế giới. Trong đó, New York là nơi tập trung nhiều ca bệnh nhất với tổng số 1.228 ca, cao hơn đáng kể so với bang đứng thứ 2 là California (799 ca).
Tây Ban Nha hiện đứng ở vị trí thứ 2 thế giới sau Mỹ, với 3.738 ca. Trên toàn cầu, tổng cộng hơn 18.000 ca mắc đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 75 quốc gia.
Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh ở Mỹ một phần là do các cơ sở y tế đã tăng năng lực xét nghiệm từ 10.000 lên 80.000 mẫu mỗi tuần.
Theo tờ Politico, các quan chức Mỹ đang có kế hoạch tuyên bố đậu mùa khỉ là “tình trạng đáng quan ngại cấp quốc gia”, yêu cầu các bang thu thập và chia sẻ dữ liệu trong một nỗ lực nhằm tăng cường xét nghiệm và giám sát.
Nhân viên y tế hỗ trợ người dân đăng ký tiêm vắc xin phòng đậu mùa ở New York (Mỹ). Ảnh: AP |
Bất chấp sự gia tăng đột biến về số ca bệnh, tỷ lệ lây nhiễm của Mỹ trên thực tế vẫn thấp hơn các quốc gia khác đang trải qua đợt bùng phát đậu mùa khỉ, chỉ khoảng 1 ca/100.000 dân. Con số này ở Tây Ban Nha là khoảng 7/100.000, trong khi ở Đức và Anh là 3/100.000.
Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng trên toàn cầu, thì chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là vẫn đang cân nhắc xem có nên làm theo hay không.
Nhà Trắng đã thực hiện một số bước chuẩn bị đề phòng trường hợp virus lây lan rộng hơn, mua hàng triệu liều vắc xin và thuốc điều trị, đồng thời ước tính có thể cần 7 tỷ đô la để chi trả cho khâu ứng phó này. Đặc biệt, quỹ sẽ chi trả cho việc sản xuất vắc xin trong nước và chuyển giao công nghệ, theo một báo cáo của Nhà Trắng.