Châu về Hợp phố
Gần 30 chục năm có dư, tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Khoảng vườn rộng thênh cùng ngôi nhà cũ của NHT đã khác lắm. May bức tượng Phật của điêu khắc gia Nguyễn Hồng Hưng dựng cuối vườn dẫu màu sơn đã khác nhưng vẫn y cựu nụ cười bao dung. Cái năm Hồng Hưng miệt mài dựng tượng, NHT cố hữu mặt mũi nhàu nhĩ, cái áo nato xộc xệch tay chân lấm láp lệt sệt sải bước hầu hạ nước nôi, điếu đóm. Rồi bà xã, chị Trang lách mảnh rào tre làm cổng vừa nhảo từ chợ Cò về trên tay là mớ tép tươi. NHT kiễng chân bên cây khế chua góc vườn… Những khế xào tép, canh khế tép cung đốn bữa ăn cho cả chủ lẫn khách.
Vợ chồng nhà văn NHT đã theo nhau mà biệt dương thế cả rồi!
Tấm hình hiếm hoi vợ chồng Nguyễn Huy Thiệp và ông bà Thụy Khuê. Ảnh tư liệu |
Bữa nay nhà NHT có khách. Bà nhanh nhẹn hơn cái tuổi 80 rất nhiều, sải những bước lanh lẹ và cái cười cởi mở từ cổng…
Bà Thụy Khuê từ Pháp lần đầu về Hà Nội năm 1993. Cái duyên bạn bầu của bà với nhà văn NHT khởi từ đó.
“…Thiệp kém tôi sáu tuổi, nhưng tôi luôn luôn thấy anh già hơn tôi về đủ mọi mặt, từ cách xử thế đến suy nghĩ, tư tưởng. Có vẻ Thiệp đã sống trước tôi dễ hàng trăm năm…”
Có lẽ gọi thêm bà Thụy Khuê là nhà Nguyễn Huy Thiệp học?
“Khi bạn viết phê bình về một người, điều đầu tiên là bạn phải đọc kỹ người đó, đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc đến thuộc lòng tư tưởng của người ấy, tới cả dấu chấm, dấu phảy, bạn cũng phải hiểu nghĩa là gì. Tôi thuộc Thiệp như thế, nên lại càng thấy anh rất già. Già như một ông cụ từ một thế giới nào xưa lắm, sống lại”.
Bên bà Thụy Khuê, trước đông chật những chen vai thích cánh các văn nhân, ký giả, nhà nghiên cứu… trên khoảng sân hẹp nhà NHT chĩnh chện một cái va ly xám xanh. Cái va ly ấy vừa theo bà Thụy Khuê từ Pháp về xóm Cò này.
Nhang nhác như thứ châu về hợp phố. Những ngón tay của bà Thụy Khuê theo câu chuyện của bà vẻ như hơi run run và chút lập cập khi cảo thơm lần giở những thứ trong đó. Lèn chặt sách báo, thư từ. Những lá thư trao đổi giữa NHT và bà Thụy Khuê. Nhiều hơn vẫn là bản thảo của NHT. Như dưới bức tượng Phật có cái bàn nơi mà bà Thụy Khuê, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên đang ngồi, NHT như vừa ở đâu về giữa những sẻ chia, bàn thảo? Nghe nói những quý vật theo quý nhân về kia, sẽ góp vào không gian văn hóa, Nhà tưởng niệm Nguyễn Huy Thiệp ngay tại xóm Cò này; ngay tại ngôi nhà mà hai người con ruột của NHT, hai anh em Bách và Khoa đang gây dựng, chỉnh trang.
Chạm tay vào Nobel?
Cứ nghĩ đã từng mặc định về NHT, nhưng bà Thụy Khuê vẫn khiến tôi ngạc nhiên về một trữ lượng NHT:
“… Bao nhiêu lần anh sang Pháp, tôi không nhớ nữa, lần nào anh cũng ở nhà chúng tôi và tôi "kèm" anh trong tất cả các buổi gặp nhà báo, do bà MarionHennebert, chủ nhà xuất bản (Editions de l'Aube) in sách Nguyễn Huy Thiệp tổ chức. Marion rất tham, lần nào cũng nhồi nhét cho đủ mặt từ phóng viên của các báo lớn nhất như Le monde, Libération, le Nouvel Observateur đến những báo ít nổi tiếng hơn, để sách của Thiệp ra, là có một tiếng vang lớn trên báo chí.
Thiệp có cách ứng xử rất chì không bao giờ anh nao núng trước một câu hỏi hóc búa mà nhà báo cố tình đưa ra chừng để moi một câu trả lời nhát sợ của nhà văn nhất là những dò hỏi về tự do dân chủ”
Trước cử tọa, bà Thụy Khuê dẫn ra trường hợp nhà báo cộm cán kỳ cựu Jean Lacouture từng phỏng vấn nhiều lần các yếu nhân Tây, ta trong đó có Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng.
“Và lần này, Jean Lacouture, phong thái rất đàn anh, trưởng thượng… Và cố tình như "quay" Thiệp, những câu đại loại: Anh thấy bây giờ nước anh đã có tự do, dân chủ chưa?
Thiệp trả lời hết! Và anh thường cho cánh nhà báo thấy rằng anh không lảng tránh và dớ dẩn. NHT sẵn sàng hạ họ đo ván, bằng những câu trả lời hai nghiã, thâm thuý, khôi hài và luôn luôn họ phải chịu, phải chấp nhận bằng một… tràng cười.
Những buổi tiếp xúc với độc giả, dù ở Paris hay Toulouse, Bordeaux, luôn luôn là những cuộc trao đổi chuyện trò sinh động, ý vị. Nguyễn Huy Thiệp khá có duyên, trả lời lúc nào cũng hóm hỉnh. Người Pháp óc vốn hài hước, nên họ rất thích. Những khi NHT ở Paris, có vài nhà văn Pháp đến thăm, tôi nhớ có một bà từng lãnh giải Goncourt khẩn khoản đến xin gặp "đại văn hào của Việt Nam" (le grand écrivain viêtnamien) cho bằng được, và qua câu chuyện, tôi thấy ở bà một sự kính nể thực thụ.
Có một dạo độc giả trong nước phong thanh cái tin NHT đã tiến rất gần Giải Nobel văn chương? Có người nêu cái ý ấy với bà Thụy Khuê. Và bà bộc bạch cởi mở:
“…Thiệp tin mình sẽ nhận giải Nobel. Điều này có thật. Và không phải lỗi ở anh, mà do hoàn cảnh đưa đẩy, nếu có lỗi, thì từ bà Marion Hennebert. (Marion Hennebert, người sáng lập và là đồng GĐ NXB danh tiếng Editions de l'Aube. Bà cũng là người đặc trách phần xuất bản tác phẩm các nhà văn thế giới thứ ba tại Pháp - XB).
Marion Hennebert đọc Thiệp và thích ngay, mặc dù những bản dịch đầu tiên còn nhiều sơ hở, có khi phản nghĩa. Từ thời điểm đó, là một sự trung thành tuyệt đối giữa hai người. Thiệp có lần được một nhà xuất bản lớn đề nghị ký giao kèo, in sách, lượng nhiều gấp đôi nhà l'Aube và bảo đảm sẽ có những bản dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng NHT không nhận và nói “mình đã ở với Marion, thì đâu có bỏ được!”
Bà TK bộc bạch rằng, Marion Hennebert là người có kinh nghiệm văn chương, rất tự hào là đã từng đưa Václav Havel (nhà văn Tiệp Khắc) ra với thế giới bên ngoài và tác phẩm của Haven đã đoạt Nobel khi ông được dịch sang tiếng Pháp. Và cũng nhà l'Aube Laube khám phá ra Cao Hành Kiện! Linh Sơn của Cao Hành Kiện đoạt Giải Nobel 2000. Và Marion khẳng định, Nguyễn Huy Thiệp sẽ đoạt giải, và bà đã vận dụng tất cả mọi phương tiện để... thành công.
“Nhiệt thành của Marion khiến tôi xiêu lòng và giúp bà trong việc in lại Nguyễn Huy Thiệp. Đó là một tuyển tập dày dạn, đầy đủ các tác phẩm, đã được hiệu đính hay dịch lại, nếu cần, để gửi đến ban chấm giải Nobel. Marion đã bỏ ra gần hai năm để thực hiện công trình này, cố gắng hoàn thành tập Nguyễn Huy Thiệp Crimes, amour et châtiment (Nguyễn Huy Thiệp, Tình yêu, Tội ác và trừng phạt) dày 745 trang, tuyển chọn 45 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Sách in xong, đùng cái, gặp một trở ngại lớn. Marion bảo tôi: Ban xét giải trưng cái tin rụng rời rằng Nobel thường chỉ phát cho những nhà văn viết tiểu thuyết, chưa hề phát giải cho truyện ngắn bao giờ!
Năm ấy, Mạc Ngôn được giải Nobel vì sự nghiệp tiểu thuyết...
Nới thêm không gian Nguyễn Huy Thiệp
Bà Thụy Khuê nhiệt tình sẻ chia thêm với các cháu sinh viên chuyện NHT là tác giả Việt Nam duy nhất được phát hành sách bỏ túi ở Pháp mà ban nãy bà mới nói lướt qua. Theo bà Thụy Khuê, người Pháp đánh giá rất cao Nguyễn Huy Thiệp. Ông là nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm nhất được dịch ở Pháp nên có được vinh hạnh ấy!
Thầm nghĩ, xứ mình loại sách bỏ túi cũng đâu có lạ? Loại “sách bỏ túi” hướng tới các đối tượng như nhân viên văn phòng, khách du lịch, người không có thời gian, người có nhu cầu mua sách với giá “mềm”,… đó là một sự lựa chọn thông minh cho thời buổi công nghiệp hóa, nhằm đa dạng hóa hình thức sản phẩm sách trên thị trường…
Bà Thụy Khuê trong cuộc nói chuyện |
Không gian nhà NHT trong buổi nói chuyện |
Người con cả của NHT, Nguyễn Phan Bách nay chững chạc tự tin chủ một phòng tranh thênh thang trên gác. Nhớ lần ấy ngồi với anh sinh viên Trường Mỹ thuật Phan Bách đang nặn bức tượng về cha mình. Lần ấy Bách bộc bạch, hội họa là thứ mơ ước mà cha mình không thực hiện được!
Một chút giật thột nhói lòng khi nhớ mỗi dịp Tết âm, NHT đặt chừng vài chục đĩa gốm. Ông mê đắm vẽ chân dung bạn bè, người thân và vịnh thơ lên đĩa. Bách đang chỉ cho tôi chỗ vị trí NHT nương người trên cái xe lăn sau tai biến đăm đắm ngó ra ngoài hàng giờ sau khi vợ mất.
Nhớ thêm cái thở dài của bà Thụy Khuê “Biết bao kỷ niệm từ ngày ấy, từ 1993 đến giờ, thực ra, tôi chỉ gặp Trang (vợ NHT- XB) ba lần trong gần ba mươi năm, nhưng đã nói chuyện nhiều lần với Trang qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Đối với tôi, Trang là người chị, người em, là nhẫn nại và bao dung của trần gian trời tặng Thiệp để vượt những khổ ải và hạnh phúc”.
Lần gặp này, biết thêm những thầm lặng của hai anh em quyết tập hợp di sản của bố mình để xây dựng không gian lưu trữ, tưởng niệm. Chả ít những công sức bỏ ra những là kiểm lại những đầu báo, nhà xuất bản bố mình từng cộng tác, rồi liên hệ với các biên tập viên, thư ký các tòa soạn, những nhà từng sưu tập bản thảo, kỷ vật của bố… Đây không chỉ là nơi trưng bày các ký ức về Nguyễn Huy Thiệp, mà còn là không gian cộng đồng, nơi ai cũng có thể ghé thăm. Như vậy ngôi nhà của nhà văn sẽ không còn khép kín, mà luôn rộng cửa với các thế hệ bạn đọc. Độc giả vẫn có thể đối thoại với tác giả qua những kỷ vật để lại.
Có cảm giác những kỷ vật trong chiếc va ly kia mà bà Thụy Khuê vừa làm cái việc Châu về hợp phố khiến chủ nhân “Không gian Nguyễn Huy Thiệp” thêm nhiều cung bậc cảm xúc?