17 mùa giải giậm chân và đi lùi
Qua 17 mùa kể từ khi mô hình được chuyển từ giải các đội mạnh toàn quốc sang giải VĐQG, đến giờ cuộc đấu quốc nội đỉnh cao nhất của bóng chuyền Việt Nam chỉ có một khác biệt chính là quy mô, giảm từ 12 đội xuống còn 10 đội cả nam và nữ. Còn lại tất cả đều giống hệt giải đầu tiên 2004, cho dù sớm và ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.
Đơn cử như việc hai vòng đấu cách quá xa nhau cùng “đóng khung” về thời điểm (tháng 3 hay tháng 4 với vòng 1, tháng 11-12 cho vòng 2 và vòng chung kết). Hay sự cũ kỹ đến mức phi lý trong cách chọn lựa địa điểm đăng cai (vòng 1 chỉ diễn ra ở các địa phương khu vực phía Bắc, còn đến vòng 2 và vòng chung kết quyền đăng cai luôn dành cho các địa phương phía Nam).
Mức thưởng cho các đội giành thứ hạng cao vẫn quá “hẻo”, nhất là so với mức đầu tư tăng cao của các đội bóng cùng sự thay đổi đáng kể của các môn vốn xuất phát sau bóng chuyền. Trong đó, mức 150 triệu đồng cho đội vô địch thậm chí trên thực tế đã kém hơn nhiều mức 100 triệu của mùa 2004. Bài toán vận động tài trợ, truyền thông và khán giả cho giải đấu được quan tâm bậc nhất của thể thao Việt Nam này cũng chưa bao giờ được các nhà quản lý tổ chức đặt ra.
Đáng nói hơn, mặt bằng chung trình độ, chất lượng chuyên môn quá thấp của giải đấu vẫn được coi là số 2 của thể thao Việt Nam chỉ sau bóng đá nam, đặc biệt giải nữ. Ngoài Thông tin LienVietPostBank vẫn chứng tỏ được đẳng cấp vượt trội, giải nữ còn ghi nhận sự tiến bộ của Kinh Bắc Bắc Ninh và nhất là “hiện tượng” Hóa Chất Đức Giang. Dù vậy, đó chỉ là vài điểm sáng trong tình cảnh ảm đạm chung của bóng chuyền Việt Nam với một giải đấu có sự chênh lệch quá lớn về trình độ giữa các đội, trong khi lại quá thiếu các trận đấu kịch tính, chất lượng cùng các ngôi sao và nhân tố mới.
Tủi với người Thái
Từ lâu bóng chuyền Việt Nam vẫn luôn đặt ra mục tiêu bám đuổi và cạnh tranh với Thái Lan, và ngày càng phải thấy… tủi với người Thái, với sự thua kém và tụt hậu ngay từ gốc rễ.
Từ năm 2005, giải bóng chuyền VĐQG Thái Lan có phương thức giống Thai-League của bóng đá với tính chuyên nghiệp, chất lượng rất cao cả về chuyên môn, hiệu quả kinh tế lẫn giải trí. Giải gồm 8 đội mạnh, thi đấu vòng tròn 2 lượt trên sân nhà/sân khách vào hai ngày cuối tuần, liên tục trong khoảng 6 tháng để xác định thứ hạng chung cuộc. Kết thúc giải, Liên đoàn Bóng chuyền Thái còn tổ chức thêm một cuộc đấu “Siêu Cúp” dành cho 4 đội đứng đầu. Nó khác hẳn Việt Nam với cách thức tổ chức như đã nói ở trên.
Mức thưởng 100 triệu đồng cho Quán quân giải VĐQG của bóng chuyền Việt Nam từ nhiều năm nay chỉ bằng đúng 1/10 tổng số tiền mà đội bước lên ngôi cao nhất tại Thai-League nhận được.
Đơn cử, kết thúc mùa 2014- 2015, CLB Thái Lan mà đội trưởng ĐTVN Nguyễn Thị Ngọc Hoa đấu thuê đã lĩnh phần thưởng 1 triệu baht (tương đương 650 triệu đồng) cho danh hiệu cùng phần chia sẻ bản quyền giải đấu là 0,6 triệu baht (400 triệu đồng).
Như vậy, chỉ tính riêng số tiền họ nhận được từ BTC giải đã lên tới 1,05 tỷ đồng. Chưa kể đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu Thái Lan này còn có một số nhà tài trợ riêng và các hoạt động khai thác hình ảnh khác. Nguồn thu này theo ước tính còn gấp 4 lần con số 1,05 tỷ đồng nói trên.
Chính Thai - League là bệ phóng giúp bóng chuyền nước này không chỉ “độc bá” ở SEA Games mà còn vươn lên nhóm hàng đầu châu Á và tiếp cận đỉnh cao thế giới. Trong đó, đội nữ Thái Lan đang đứng thứ 14 thế giới, hạng 3 châu Á.
Khi mà bóng chuyền Thái Lan từ lâu đã thành công mỹ mãn với giải pháp thuê cầu thủ nước ngoài hay tung quân ra nước ngoài đấu thuê thì Việt Nam lại nói không với ngoại binh tại giải VĐQG từ năm 2014, sau 10 mùa giải thất bại hoàn toàn. Nó đã “đốt” của các đội bóng khoảng 1,2 triệu USD song không mang lại hiệu quả gì, ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mảng đào tạo trẻ. Nếu nhìn từ Thai-League, việc ngưng dùng ngoại binh của bóng chuyền Việt Nam chỉ là giải pháp mang tính tình thế do đã nhìn nhận, sử dụng sai nguồn lực vốn rất quan trọng với thể thao hiện đại.