Thể thao Việt Nam với SEA Games 26:Tốp 3 không dễ

Thể thao Việt Nam với SEA Games 26:Tốp 3 không dễ
Số môn chính thức tại SEA Games 26 vẫn chưa được chốt lại. Thế nhưng, với đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) mọi thứ đã căn bản xong xuôi từ số lượng VĐV, số môn dự thi cho đến chỉ tiêu huy chương. Nhưng Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã lưu ý Tổng cục TDTT phải chuẩn bị đề án dự SEA Games 26 thật chu đáo nếu vẫn xác định mục tiêu nằm trong tốp 3 khu vực. Bài học đặt mục tiêu để rồi vỡ kế hoạch ở Asiad 16 vẫn còn mới nguyên.
Thể thao Việt Nam với SEA Games 26:Tốp 3 không dễ ảnh 1

Chỉ tiêu chung chung

Trong cuộc họp chuẩn bị cho SEA Games 26, lãnh đạo Tổng cụ TDTT đã chính thức đăng ký số lượng và chỉ tiêu của đoàn TTVN với Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Anh Tuấn. Theo đó, đoàn TTVN sẽ tham dự 31/44 môn thi của SEA Games 26, phấn đấu đạt từ 70-90 HCV, phấn đấu nằm trong “tốp đầu” khu vực. Ở đây, có thể hiểu là tốp 3 nhưng cũng có thể hiểu rằng đã có sự điều chỉnh mục tiêu, không cụ thể nằm trong tốp 3 như những kỳ SEA Games trước mà chỉ đề ra chỉ tiêu chung chung. Vấn đề tốp đầu là tốp nào đang là câu hỏi đánh đố người hâm mộ lẫn cấp quản lý sau khi đã tốn rất nhiều tiền đầu tư trong suốt 2 năm qua.

So với kỳ SEA Games 25, số lượng VĐV Việt Nam dự kiến tham dự đông hơn hẳn, khoảng 600 VĐV so với trên 400 VĐV. Tuy nhiên, tỷ lệ môn tham dự lại ít hơn hẳn, Cụ thể, tại SEA Games 25, TTVN tham dự 24/25 môn, trừ môn bóng nước. Trong đó có đến 19/24 môn là có khả năng đoạt HCV, chiếm tỷ lệ gần 80%. Còn tại SEA Games 26 lần này, TTVN chỉ tham dự 2/3 tổng số môn thi, đã thế chỉ có khoảng 24/31 có khả năng đoạt HCV, tỷ lệ chỉ khoảng 77%. Từ SEA Games 22 trên sân nhà đến nay, TTVN luôn duy trì được một vị trí trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games sau đó, nhưng điều này sẽ không dễ dàng được tái lập ở SEA Games năm nay.

Bị cắt nhiều quá

Việc không “tự tin” của đoàn TTVN không có gì là lạ. Bởi ngoài việc không tham dự 13 môn, thì ở những môn thể thao thế mạnh của TTVN, Indonesia cắt bỏ, gần hết. Điển hình nhất là ở môn bắn súng. Đây vốn là môn đã đem đến 11 tấm HCV cho TTVN tại SEA Games 25, nhiều nhất trong số các môn của đoàn TTVN. Nhưng năm nay, bắn súng chỉ đặt chỉ tiêu 3 HCV. Nguyên nhân bởi Indonesia đã đưa vào 6 nội dung bắn súng ứng dụng (gần giống như súng sử dụng trong quân đội) rất xa lạ với các cuộc thi đấu thể thao và ở Việt Nam còn chưa có trường bắn.

Đây là môn sở đoản với Việt Nam nhưng lại là sở trường của nước chủ nhà. Cũng ở môn bắn súng, nước chủ nhà lại chỉ đưa vào 6 trong tổng số 15 nội dung thi đấu của Olympic và chỉ có thêm 3 nội dung thi đấu của ASIAD. Bên cạnh đó, họ còn cắt bỏ cả những nội dung quan trọng của Olympic. Họ loại nội dung súng ngắn bắn nhanh mà Việt Nam vừa có HCB tại ASIAD 16, nội dung súng ngắn thể thao nữ mà Việt Nam có VĐV đứng thứ tư thế giới. Nước chủ nhà cũng chỉ tổ chức các nội dung thi đấu cá nhân chứ không có nội dung đồng đội, thế mạnh của bắn súng Việt Nam.

Ở môn võ pencak silat mà Indonesia “là quốc hồn quốc tuý”, sau khi để Việt Nam liên tục vượt qua đứng đầu thế giới, Indonesia đã điều chỉnh lại nội dung. Theo đó, họ đã cắt 5 hạng cân mà Việt Nam không có đối thủ là 50kg nữ, 75kg nữ, 80kg nam, 85kg nam và 95kg nam. Việc bỏ nội dung thi đấu này không tuân theo một quy tắc nào nên mới có cảnh ở các nội dung của nữ, hạng cân 50kg của nhà vô địch thế giới Lê Thị Phi Nga bị cắt bỏ trong khi các hạng cân nhỏ của nam lại được giữ nguyên. Đây là những hạng cân đã đem về 4/6 HCV của pencak silat Việt Nam tại SEA Games 25.

Ngoài ra, ở môn xe đạp nội dung băng đồng nữ mà Việt Nam liên tiếp vô địch SEA Games cũng bị cắt bỏ. Tương tự là nội dung vật ở hạng cân 48kg nữ; nội dung đơn nữ ở môn bi sắt hay nội dung đôi nam-đôi nữ ở môn sport aerobic. Tính sơ sơ, khoảng 20 nội dung TTVN có khả năng đoạt huy chương Vàng đã bị cắt bỏ.

Các quan chức thể thao Việt Nam đã phải thốt lên “bị cắt nhiều quá”. Và người ta chợt nhận ra, việc thi đấu môn nào, ra sao và môn nào sẽ bị loại ở cuộc chơi ao làng vẫn “hồn nhiên” cho đến sát ngày tổ chức. Thậm chí nước tổ chức coi đây là ưu thế chủ nhà.

Quả là tốp 3 không dễ.

SEA Games 22 (2003): 156 HCV - 91 HCB - 93 HCĐ, xếp hạng 1
SEA Games 23 (2005): 71 HCV - 68 HCB - 89 HCĐ, xếp hạng 3
SEA Games 24 (2007): 64 HCV - 54 HCB - 83 HCĐ, xếp hạng 3
SEA Games 25 (2009): 83 HCV, 75 HCB, 57 HCĐ, xếp hạng 2

Theo Báo Lao Động
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.