Thể thao Việt Nam đã hết thời "đi tắt đón đầu”?

Thể thao Việt Nam đã hết thời "đi tắt đón đầu”?
TP - Chỉ giành được vỏn vẹn 1 HCV trong khi nêu mục tiêu lấy về từ 4 tới 6 HCV, thể thao VN (TTVN) đã có một kỳ Asiad không thành công. Và chắc chắn chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại mình để chuẩn bị cho những lần chinh phục thử thách quốc tế trong tương lai.
Thể thao Việt Nam đã hết thời "đi tắt đón đầu”? ảnh 1

Trong những cuộc trao đổi với báo chí ở Quảng Châu, trưởng đoàn TTVN Lê Quý Phượng đều thẳng thắn tuyên bố rằng TTVN sẽ phải thay đổi sau kỳ Asiad 16, và cụ thể sẽ là nhắm tới những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic.

Cách đây ngót chục năm, phong cách “đi tắt đón đầu” đã trở thành tư duy chủ đạo của TTVN, và nhờ thế, TTVN đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu khu vực bằng những môn thể thao mới được phổ cập hoặc chỉ phổ biến trong phạm vi khu vực như lặn, pencak silat, wushu, đá cầu…

Tuy nhiên, chỉ ở những sân chơi “hội làng” cỡ SEA Games thì mới có chỗ cho các môn thể thao kiểu như vậy, còn ra tới bình diện châu lục hay thế giới thì chỉ gói gọn trong 28 môn thể thao thuộc hệ thống Olympic mà thôi.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, mức độ đầu tư dành cho thể thao của VN chưa thấm vào đâu, nhưng Thái Lan, Singapore hay Malaysia cũng phải trầy trật lắm mới giành được HCV tại Asiad 16, và cũng chỉ Thái Lan và Malaysia mới chen chân được vào top 10 chung cuộc của Á vận hội.

Để có được những thành tích như thế, cả Thái Lan hay Malaysia đều chủ yếu dựa vào các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic như đua thuyền, cử tạ, điền kinh, hoặc nói cách khác, họ chọn lối đi bằng đường chính, gian nan nhưng chắc chắn hơn nhiều. Từ bao năm nay, ở bất cứ sân chơi quốc tế tầm cỡ nào, TTVN gần như cũng chỉ đặt hy vọng vào các môn võ thuật, và phần nào là bắn súng. Như thế chưa đủ để làm nên chuyện.

Thành tích tuyệt vời của điền kinh ở Asiad 16 có thể sẽ là cột mốc đánh dấu sự thay đổi về mặt tư duy của những người làm thể thao VN, mà nói như trưởng đoàn TTVN Lê Quý Phượng thì: “Đứng ở góc độ khoa học thì tôi vẫn chưa lý giải được vì sao thể trạng con người như thế, điều kiện tập luyện như thế, mà các VĐV điền kinh lại có thể đạt được những thành tích xuất sắc như vậy”.

Lần đầu tiên đứng mũi chịu sào ở một kỳ Á vận hội với tư cách trưởng đoàn, ông Phượng đã phải duy tâm bằng cách không dự khán trận chung kết karate nữ hạng cân dưới 55kg để hy vọng sẽ không mang lại xui rủi cho VĐV Lê Bích Phương (vì ở tất cả những trận chung kết mà ông Phượng dự khán trước đó VĐV VN đều thất bại).

Rất nhiều VĐV chủ lực của TTVN hiện nay vẫn chưa có sự kế thừa xứng đáng, và ngay từ bây giờ có thể thấy khoảng trống mênh mông phía sau lưng họ. Chẳng hạn, điền kinh VN sở dĩ đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây là nhờ sự xuất hiện của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng hay Vũ Văn Huyện, nhưng nếu hỏi lãnh đạo bộ môn điền kinh rằng ai sẽ thay thế những VĐV này nếu như họ giải nghệ thì hẳn sẽ khó có câu trả lời thoả đáng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG