Thế hệ Taliban mới tại Afghanistan

(TPO) Gần bốn năm sau khi bị lật đổ bởi liên quân Anh- Mỹ, Taliban đang tái xuất và nổi lên như một nguy cơ tiềm ẩn thường trực tới hòa bình và ổn định tại Afghanistan.

Mặc dù thế lực của Taliban hiện nay không phải là thế hệ của thời "hoàng kim" những năm 90, song chúng vẫn đang tiếp tục tiến hành một cuộc chiến tranh du kích với các loại vũ khí tối tân, bao gồm cả tên lửa đối không di chuyển được.

Khi còn nắm quyền, Taliban đã dung dưỡng và che giấu cho cả bin Laden lẫn al-Qaida. Do đó, những trang thiết bị quân sự và vũ khí của chúng đều được mua bằng tiền mặt do mạng lưới Al-Qaida của Osama bin Laden rót xuống.

Số tiền này xuất phát từ "hầu bao của các cá nhân và phe cánh đang sinh sống tại Trung Đông", Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Abdul Rahim Wardak cho biết. "Al-Qaida đang tuồn tiền và vũ khí về đây", một sĩ quan tình báo của Quân đội Mỹ tại tỉnh Zabul, một trong những khu vực Taliban nổi loạn dữ dội nhất, nói thêm.

Taliban của thời điểm này là tập hợp hỗn tạp của hàng ngàn nhóm nổi loạn cực đoan, ít hơn nhiều so với hồi trước tháng 11/2001, khi lực lượng này còn nắm quyền hành. Các chiến binh Taliban hoạt động trong những khu vực nhỏ và thi thoảng lắm mới phối hợp cùng nhau trong những nhiệm vụ cụ thể. Chúng không thể bảo vệ lãnh địa cũng như đánh bại liên quân lúc này.

Taliban 2005 liên kết với nhau bằng một cấu trúc truyền lệnh lỏng lẻo, và mục tiêu chung duy nhất là đẩy liên quân do Mỹ cầm đầu, cùng lực lượng NATO ra khỏi lãnh thổ Afghanistan, lật đổ Tổng thống Hamid Karzai - một người được Mỹ chống lưng, đồng thời xác lập lại luật pháp Hồi giáo hà khắc tại Afghanistan.

Taliban đã áp dụng một số chiến thuật khủng bố mà phiến quân Iraq từng sử dụng để chọc giận và chĩa mùi dùi chỉ trích của công luận vào chính quyền Iraq hay quân độ Mỹ.

Những chiến thuật đó bao gồm tấn công bằng bom tự chế, chặt đầu, ám sát và bắt cóc nhằm vào các quan chức ngoại giao, những người nổi tiếng hoặc có tham gia vào công cuộc tái thiết, xây dựng dân chủ tại Afghanistan.

Hôm thứ năm, một quả bom tự chế đã giết chết hai binh lính Mỹ gần thành phố miền Kandahar ở miền Nam, nâng tổng số người thiệt mạng vì các vụ tấn công lên 44 người trong sáu tháng vừa qua.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sự leo thang của bạo lực tại Afghanistan trong 5 tháng trở lại đây không hẳn chỉ nhằm cản trở bầu cử chính quyền mới. Họ lo sợ rằng đây là một phần trong chiến lược chung của Al-Qaida, nhằm gây căng thẳng và lo sợ trong nội bộ quân đội Mỹ, gây đổ máu không chỉ ở Iraq mà ở cả Afghanistan.

"Tôi cho rằng al-Qaida đang mở ra một mặt trận thứ hai. Cuộc bầu cử không phải là mục tiêu thật sự của chúng. Những kẻ chỉ huy Al-Qaida có tầm nhìn xa trông rộng hơn nhiều", Marvin Weinbaum, cựu chuyên gia tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.