Thế giới có 30 triệu nô lệ hiện đại

Thế giới có 30 triệu nô lệ hiện đại
Nô lệ hiện đại là lao động cưỡng bức, buôn bán trẻ em, phụ nữ có gia đình bị bạo hành, nô lệ để trả nợ, trẻ em đi lính…
Một gia đình chăn gia súc đang sinh sống trong những điều kiện như nô lệ từ đời này qua đời khác tại khu ổ chuột Keube, thủ đô Nouakchott của Mauritania (châu Phi), tháng 3-2007. Ảnh: REUTERS
Một gia đình chăn gia súc đang sinh sống trong những điều kiện như nô lệ từ đời này qua đời khác tại khu ổ chuột Keube, thủ đô Nouakchott của Mauritania (châu Phi), tháng 3-2007. Ảnh: REUTERS.

Ngày 17/10/2013, lần đầu tiên tổ chức phi chính phủ Walk Free (do cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đồng sáng lập viên Microsoft là Bill Gates tài trợ) có trụ sở đặt tại Úc đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia đang áp dụng chính sách “nô lệ hiện đại”, một hình thức tội ác ít được biết đến nhưng rất đa dạng.

Số liệu thống kê được thiết lập theo ba yếu tố sau: Tỉ lệ tại mỗi quốc gia tính trên dân số của quốc gia đó; hôn nhân trẻ em; và các dữ liệu về buôn người.

Hiện nay nạn khai thác nô lệ vẫn còn tồn tại nhưng trong một “phiên bản” mới được gọi là “nô lệ thời hiện đại” với gần 30 triệu nạn nhân trên khắp thế giới.

Hình thức khai thác nô lệ này diễn ra khá đa dạng nhưng khó nhận diện, vì thế khó có thể đánh giá hậu quả một cách chính xác, do luôn ẩn khuất kín đáo sau bốn bức tường của các ngôi nhà, các xưởng máy, xí nghiệp hoặc len lỏi trong các cộng đồng dân cư. Đây thật sự là một tội ác được che giấu.

Tuy nhiên, vẫn theo Walk Free, tất cả nạn nhân đều “bị chế ngự và bị khai thác bởi một người nào đó vì mục đích lợi dụng thể chất, thỏa mãn tình dục hoặc đơn giản chỉ là để thỏa mãn sự thèm khát khả năng thống trị của mình”.

Mauritania đứng đầu về khai thác nô lệ hiện đại

Nước này hiện có 150.000 nô lệ trên tổng dân số là 3,7 triệu người. Hiện tượng tại đây được gọi là “nô lệ tuyệt đối”, tức những đàn ông, phụ nữ và trẻ em thuộc sở hữu hoàn toàn của các “ông chủ” của họ.

Các nô lệ này hoàn toàn không có được cho riêng mình một thứ gì cả, về vật chất lẫn tinh thần. Họ có thể bị đem đi mua bán, bị cho thuê, bị trao đổi và bị làm… quà tặng”!

Tệ hơn nữa, tại đất nước này, nô lệ mang tính chất “di truyền” qua các thế hệ. Một đứa trẻ mới sinh ra có thể đã là nô lệ vì đứa trẻ đó có bố mẹ và ông bà đã là nô lệ! Và cũng theo Walk Free, rất khó đấu tranh xóa bỏ hình thức nô lệ này tại Mauritania, bởi đa phần các nạn nhân đều mù chữ và hoàn toàn không có kiến thức gì về các quyền lợi của mình.

14 triệu nô lệ tại Ấn Độ

Là nước đông dân thứ hai trên thế giới với dân số 1,2 tỉ người, Ấn Độ là một quốc gia trong đó kết hợp giữa hai yếu tố chính là sự nghèo nàn và hệ thống phân tầng đẳng cấp xã hội. Chính hai yếu tố này đã tạo cơ hội tốt cho việc khai thác nô lệ, đặc biệt là hình thức lao động cưỡng bức.

Rất nhiều nô lệ bị khai thác ngay tại chính ngôi làng nơi họ sinh ra. Tại các làng quê phía bắc Ấn Độ, nhiều khi có cả những cộng đồng dân cư đông đúc phải làm việc nặng nhọc trong các lò gạch, các công trường khai thác đá hoặc tại các xưởng dệt thảm.

Hôn nhân cưỡng bức cũng rất phổ biến tại Ấn Độ. Tuy nhiên, Walk Free cũng ghi nhận sự tiến bộ đáng mừng từ phía chính phủ Ấn Độ, khi vào tháng 4-2013, nước này đã đưa vào bộ luật hình sự điều khoản kể tội đối với mọi hình thức khai thác và buôn bán con người.

Nước Pháp cũng “vướng” nô lệ

Theo đánh giá của Walk Free, tại Pháp hiện có 8.500 người sống trong các điều kiện như nô lệ (nước Pháp được xếp thứ 139/160 quốc gia). Đã hai lần, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã cáo buộc Paris đã không tuân thủ luật của tòa với khái niệm “tình trạng nô lệ”, trong khi các hồ sơ về nô lệ hiện đại thường xuyên được đưa ra trước công lý Pháp.

Tại nước này, có tình trạng thường xảy ra là các phụ nữ trẻ gốc người nước ngoài được sử dụng như “đầy tớ” trong các gia đình giàu có, bị khai thác và bị ngược đãi.

Benin là mảnh đất của nô lệ trẻ em

Đất nước vùng Tây Phi 10 triệu dân này nằm ở vị trí thứ bảy trong danh sách của Walk Free.

Tại đây, tuổi tối thiểu chính thức để có thể tham gia lao động là 14 tuổi. Giáo dục được miễn phí và chỉ bắt buộc đến năm 11 tuổi. Do đó, có hàng chục ngàn trẻ em là nạn nhân của bọn buôn người và bị bóc lột ngoài đường phố, trong các nhà thổ hay tại các cánh đồng trồng bông vải. Nhiều em trong số đó cũng là “đầy tớ” trong các nhà của chủ.

Có nhiều trẻ em gái trong các gia đình quá nghèo đã bị bố mẹ đưa đến phục vụ trong các gia đình như là “người ở” ngay từ lúc bảy tuổi.

Theo TƯỜNG NGUYỄN
Pháp Luật TPHCM/Libération

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG