Ông Yatseniuk nói: "Ukraine sẽ ra quyết định cấm vận chống Nga để tương xứng với mọi quyết định của Nga muốn cấm vận chống Ukraine". Hiện Moscow có kế hoạch ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Ukraine do Kiev tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga.
Ngày 23/11, Chính phủ Ukraine đã tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa đến bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ đã sáp nhập trở lại vào Nga hồi năm 2014, gây nên tình trạng cắt đứt quan hệ giữa hai nước cho đến nay. Thông báo của Nội các Ukraine nêu rõ, Thủ tướng Arseniy Yaseniuk đã chỉ thị tạm cấm các xe tải hàng hóa đi lại qua ranh giới hành chính giữa Ukraine và Crimea, cũng như sẽ đệ trình Tổng thống để ra quyết định cuối cùng về định dạng quan hệ giữa Kiev với Crimea.
Ngày 23/11, các máy bay tiêm kích của Pháp đã cất cánh từ tàu sân bay Charles De Gaulle mới được triển khai tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải trong một chiến dịch nhằm vào nhóm IS ở Iraq và Syria. Trong khi đó, liên minh quốc tế cho hay Mỹ và các nước đồng minh đã tiến hành thêm các vụ tấn công nhằm vào IS hồi cuối tuần, kể cả 2 vụ ở Syria, phá hủy gần 300 xe và một cơ sở lọc dầu của nhóm khủng bố này.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các nỗ lực hiện nay tập trung vào việc làm suy yếu khả năng tài chính và kinh tế của IS, ngăn chặn nguồn thu nhập từ 60.000 tấn dầu, trị giá 1,5 triệu USD mỗi ngày của IS. Lực lượng quân đội Nga tại Syria đang bắt đầu hợp tác với lực lượng vũ trang Pháp. Trong hai ngày qua, máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành 141 vụ tấn công, trong đó đánh trúng 474 mục tiêu của IS, bao gồm các nhà máy lọc dầu, kho bãi và xe chở nhiên liệu.
Nhà chức trách Pháp ngày 23/11 đã phát hiện vật được cho là dây đai đánh bom ở trong một thùng rác công cộng ở thị trấn Montrouge, phía Nam thủ đô Paris. Nguồn tin nói: "Nó có vẻ như là một đai bom". Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành điều tra. Động thái trên diễn ra giữa lúc Pháp và Bỉ đang nỗ lực truy quét những nghi can liên quan đến vụ tấn công hôm 13/11 làm 130 người thiệt mạng ở Paris.
Cơ quan công tố liên bang Bỉ cho biết một thẩm phán chuyên về chống khủng bố của nước này đã buộc tội một nghi can dính líu đến vụ tấn công kinh hoàng tại Paris hôm 13/11, đồng thời thả 15 người bị bắt giữ cùng thời điểm với đối tượng này. Tuyên bố cho hay: "Thẩm phán điều tra chuyên phụ trách các vụ khủng bố đã ra lệnh giam giữ một người bị bắt trong các chiến dịch đêm qua. Y bị cáo buộc tham gia các hoạt động của một nhóm khủng bố và tiến hành tấn công khủng bố (ở Paris)".
Bỉ vẫn duy trì mức báo động an ninh cao nhất tại Brussels và hệ thống tàu điện ngầm cùng các trường học sẽ chỉ được mở cửa trở lại vào ngày 24/11. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi chính quyền Bỉ cho biết họ phát hiện nguy cơ thủ đô Brussels sẽ xảy ra một vụ tấn công tương tự như vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp đêm 13/11. Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết: “Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các mối đe dọa tấn công khủng bố và tôi muốn khuyến cáo người dân về các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tấn công như các khu mua sắm và địa điểm giao thông công cộng.
Ngày 23/11, Mali đã công bố những bức ảnh về một người đàn ông và một phụ nữ được cho là đã hỗ trợ lên kế hoạch tấn công khách sạn Radisson Blu tại thủ đô Bamako ngày 20/11 vừa qua khiến 19 người thiệt mạng. Theo một nguồn tin từ Bộ An ninh Mali, hai người trên bị tình nghi có liên hệ với các phần tử khủng bố đã tấn công khách sạn. Ngoài ra, các điều tra viên đã phát hiện một số vật dụng như điện thoại, súng máy có thể hỗ trợ cho quá trình điều tra. Nhóm Mặt trận Giải phóng Massina (MLF), từng bị các buộc gây ra các vụ tấn công tại miền Nam Mali, đã trở thành nhóm thứ ba nhận là thủ phạm của vụ việc trên.
Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov tuyên bố các trạm kiểm soát tại khu vực Gevgelija đã trở thành "nút thắt cổ chai" cho người di cư và người tị nạn, do vậy "nguy cơ mất an ninh và xung đột" đang ngày càng cao giữa những người tị nạn và người di cư vì mục đích kinh tế, cũng như giữa người di cư với cảnh sát và người dân địa phương. Trước đó, hơn 1.000 người di cư vì mục đích kinh tế, chủ yếu đến từ Iran, Pakistan và Bangladesh, đã bị chặn lại ở cửa khẩu Macedonia.
Ngày 23/11 có thêm 9 thi thể được tìm thấy, nâng tổng số người chết lên 113 người sau 3 ngày xảy ra vụ lở đất kinh hoàng tại khu vực khai thác mỏ ngọc bích hẻo lánh ở Hpakant, bang miền Bắc Kachin của Myanmar. Cảnh sát Myanmar cho biết, những người thiệt mạng chủ yếu là người dân tộc thiểu số địa phương. Vụ lở đất xảy ra lúc rạng sáng ngày 21/11, chôn vùi 80 hộ gia đình tại một ngôi làng ở thị trấn Hpakant.