THẾ GIỚI 24H: Tuần lễ bận rộn của ASEAN

THẾ GIỚI 24H: Tuần lễ bận rộn của ASEAN
TPO - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Singapore từ ngày 30-7 đến 4-8.

Tình hình biển Đông là nội dung không thể thiếu tại AMM 51 sau khi ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 5 đã hoàn tất dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Bộ trưởng Saifuddin nhận định việc Bắc Kinh cho xây dựng các căn cứ quân sự và đưa vũ khí đến các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại. Ngoài Triều Tiên, những chủ đề nổi bật khác nhiều khả năng là tầm quan trọng của một trật tự dựa trên luật lệ và những biện pháp bảo đảm kiến trúc khu vực. Trước khi đến Singapore tham dự các hội nghị liên quan đến ASEAN, ông Pompeo công bố các sáng kiến đầu tư tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng dành cho Ấn Độ - Thái Bình Dương tại một diễn đàn ở thủ đô Washington tối 30-7.


Trong sáu tháng đầu năm 2018, 11.000 cán bộ và nhân viên hợp đồng rời khỏi các đơn vị quân đội Ukraine. Lý do chính để nhân viên quân sự rời khỏi lực lượng vũ trang là mức lương thấp. Điều này được thể hiện bởi hơn một phần ba (36%) số người được phỏng vấn. Bộ Quốc phòng Ukraine đã giải thích rằng tình hình tài chính đối với quân nhân phục vụ theo hợp đồng trở nên xấu đi sau khi tăng các tiêu chuẩn xã hội trong nước. Đến cuối năm 2018, có thể có thêm 18 nghìn người khác rời quân ngũ ở Ukraine.


Ngày 30/7, các nhà điều tra đã chính thức công bố nguyên nhân vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia sau hơn bốn năm điều tra. Theo Reuters, bản báo cáo dài 495 trang nói, chiếc máy bay Boeing 777 có thể đã bị điều khiển có chủ ý khi cất cánh nhưng vẫn không xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm. Báo cáo cũng không đưa ra được kết luận về điều gì đã xảy ra đối với sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay này cùng với 239 hành khách khi nó xuất phát từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh ngày 8/3/2014. Tờ SCMP cho biết, báo cáo mới nhất về vụ tai nạn hàng không lớn nhất  thế giới này đã khiến thân nhân những nạn nhân bị mất tích trên chuyến bay MH370 thất vọng và bực tức.


Có tới 76% nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe. Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Kyodo, có tới 76% (tỷ lệ 310/405) nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe cho vị trí Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - đồng nghĩa với việc là Thủ tướng Nhật Bản. Hai ứng cử viên khác trong danh sách chỉ đạt tỷ lệ 24/405 và 2/405. Như vậy, ông Abe gần như không có đối thủ trong cuộc bầu cử chức vụ Chủ tịch Đảng LDP sắp tới. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/9 tới. Trong lần bầu cử này, 20 nghị sĩ thuộc Đảng LDP có thể tham gia ứng cử và nếu người có số phiếu bầu quá bán sẽ trúng cử làm Chủ tịch Đảng.


Ngày 30/7, các cơ quan tư pháp Trung Quốc thông báo Lỗ Vĩ, cựu chủ nhiệm Văn phòng quản lý không gian mạng internet quốc gia (CAC), bị cáo buộc tội tham nhũng. Tờ SCMP cho biết, các công tố viên tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã đệ trình  bản cáo trạng lên tòa án thành phố. Ông Lỗ bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để kiếm lợi cho người khác và nhận lại những món tài sản khổng lồ. Những cáo buộc này liên quan tới những hành vi trong thời gian ông Lỗ được cho là đã thực hiện khi làm việc tại Tân Hoa Xã, chính quyền thành phố, thị ủy Bắc Kinh, CAC, cơ quan tuyên truyền của trung ương đảng. Mặc dù ngày xét xử chưa được công bố, nhưng Lỗ chắc chắn sẽ bị kết tội.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Qasemi nhấn mạnh, các cuộc đàm phán với Mỹ vào lúc này là không thể bởi vì Mỹ không đáng tin cậy. Ông Qasemi đã đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp báo hàng tuần ngày 30/7 khi được hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Iran và Mỹ do những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Ông Qasemi nhấn mạnh, các cuộc đàm phán với Mỹ vào lúc này là không thể bởi vì Mỹ không đáng tin cậy nhất là hành động rút khỏi thỏa thuận với Iran đơn phương trong tháng 5 vừa qua. Iran không thể có bất kỳ sự tin tưởng  đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Nước chủ nhà Qatar đối mặt với nguy cơ bị tước quyền đăng cai World Cup 2022, sau khi FIFA mở cuộc điều tra cáo buộc Qatar đã “chơi bẩn” nhằm hạ thấp uy tín của các nước khác để giành quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm sau. Cụ thể, thông qua các “đối tác” trên, Qatar trả 9.000 USD cho một học giả nổi tiếng để viết bài về thiệt hại kinh tế nếu tổ chức một kỳ World Cup tại Mỹ. Ngoài ra, họ còn thuê một số nhân vật có sức ảnh hưởng ở Mỹ và Australia, lên tiếng chỉ trích chiến dịch xin đăng cai của 2 quốc gia này, gây tác động xấu đến dư luận trong nước. Bên cạnh đó, Qatar mua chuộc một nhóm giáo viên thể dục ở Mỹ để những người này đề nghị các nghị sĩ Mỹ phản đối việc đăng cai World Cup, thay vào đó nên dùng số tiền này để đầu tư cho thể thao trường học. Thậm chí, Qatar còn bị cáo buộc chi tiền tổ chức biểu tình ở các trận đấu bóng bầu dục tại Australia.


Tàu khu trục thuộc lớp Maya, dài 170m, lượng choán nước 8.200 tấn, phiên chế cho hải quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (MSDF) được hạ thủy hôm qua tại Yokohama, theo Japan Times. Tờ báo Nhật nói đây là nỗ lực củng cố năng lực phòng thủ của nước này trước các tên lửa của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Con tàu với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân, chưa được lắp đặt các vũ khí chính, sẽ được bàn giao cho MSDF vào tháng 3/2020. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản đã đặt nhiều kỳ vọng vào lớp tàu mới.  Khi được triển khai, tàu khu trục với đơn giá 1,5 tỷ USD này sẽ trở thành một trong những tàu chiến uy lực nhất của hải quân Nhật Bản.


Các cơ quan chức năng Somalia quyết định khởi tố vụ án cắt âm vật (FGM) dẫn đến cái chết của bé gái 10 tuổi ngày 14-7. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Somalia tiến hành khởi tố vụ án vì lý do này. Tại Somalia, 98% phụ nữ và trẻ em gái trải qua FGM - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Hầu hết các cô gái ở Somalia trải qua hình thức cắt âm vật ở độ tuổi từ 5 đến 9. Hoạt động này thường được thực hiện bởi nữ hộ sinh chưa qua đào tạo. Họ sử dụng dao, dao cạo hoặc kính vỡ để cắt âm vật phụ nữ. Thực tế cho thấy, ở Somalia, những biến chứng từ FGM nói chung hiếm khi được thông tin trên các phương tiện truyền thông. Theo các chuyên gia luật pháp, mặc dù Somalia không có luật pháp cụ thể hình sự hóa FGM nhưng người vi phạm có thể bị truy tố dưới tội danh làm hại người khác.


Với 68 nghị sĩ ủng hộ trong tổng số 120 nghị sĩ, Quốc hội Macedonia ngày 30/7 đã nhất trí tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 30/9 tới về nỗ lực của nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng như thỏa thuận đổi tên nước đã nhất trí với Hy Lạp. Tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov đã ký thỏa thuận lịch sử về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Theo thỏa thuận trên, Macedonia (lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM) sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG