THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc - Ấn Độ đồng ý hạ nhiệt căng thẳng

Đoàn xe của Quân đội Ấn Độ tại đèo Zojilla, đông Ladakh cuối tháng 5. Ảnh: ANI.
Đoàn xe của Quân đội Ấn Độ tại đèo Zojilla, đông Ladakh cuối tháng 5. Ảnh: ANI.
TPO - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm ngày 17/6. 

Trung Quốc-Ấn Độ đã đồng ý sớm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới và không có các hành động làm leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Ấn Độ không đánh giá sai lệch về tình hình hiện nay, cũng như không được đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau phù hợp lợi ích lâu dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi đó đố kỵ và tranh chấp đi ngược lại nguyện vọng căn bản của người dân hai bên. Tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng hai bên cũng đồng ý cần nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời căn cứ vào những Thỏa thuận giữa hai bên nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh tại khu vực biên giới.


Ít nhất 3.000 trẻ em đã bị xâm hại tình dục trong Giáo hội Công giáo Pháp từ năm 1950. Theo Chủ tịch của ủy ban được thành lập để điều tra những cáo buộc xung quanh vụ việc trên, ông Jean-Marc Sauve, những số liệu điều tra sơ bộ đã chỉ ra rằng có khoảng 1.500 giám mục và các chức sắc nhà thờ đã dính líu đến cáo buộc lạm dụng tình dục này. Ông Sauve cho biết một đường dây nóng kêu gọi các nạn nhân lên tiếng đã nhận được 5.300 cuộc gọi kể từ năm ngoái.


Theo Sky News, một người biểu tình chạy ra đường khi đoàn xe của Thủ tướng Anh Boris Johnson trở về phố Downing. Sự cố bất ngờ khiến xe máy của cảnh sát dẫn đầu và xe Jaguar của Thủ tướng phải dừng lại, gây va chạm với xe hộ tống phía sau. Cảnh sát sau đó khống chế người biểu tình nói trên. Ông ta bị bắt vì các vi phạm đạo luật trật tự công cộng và vì hành vi cản trở trên đường. Theo Văn phòng chính phủ Anh, không có ai bị thương. Anh cũng xác nhận Thủ tướng Johnson ở trong xe lúc xảy ra sự cố.


Ngày 17/6, Mỹ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 39 cá nhân và các thực thể của Syria, trong đó có cả Tổng thống Bashar al-Assad nhằm siết chặt nguồn thu buộc Damascus trở lại các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc đứng đầu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của ông Bashar al-Assad được đưa ra. Chính phủ Syria lên án các lệnh trừng phạt nói chung của Mỹ đối với Syria và Đạo luật Caesar nói riêng là "một sự vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế cũng như quyền con người.


Kết quả thăm dò mới nhất tại Mỹ cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump 13 điểm. Cuộc khảo sát do Reuters-Ipsos tiến hành và công bố ngày 17/6, cho thấy 48% số người được hỏi ý kiến nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, được cho là ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ, so với 35% sẽ ủng hộ Trump.


Ba Lan đột ngột cấm các chuyến bay quốc tế với Anh, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Chuyến bay từ Ba Lan đến hầu hết các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đã được kết nối trở lại vào ngày 17/6. Tuy nhiên, nước này đã có thay đổi đột ngột vào đêm hôm trước đối với 3 quốc gia là Vương quốc Anh, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Theo công bố mới nhất của chính phủ, các chuyến bay đến 3 quốc gia này bị cho là có nguy cơ lây nhiễm cao và sẽ bị hạn chế cho đến cuối tháng 6. Như vậy, các chuyến bay được lên kế hoạch trước đó tới ba quốc gia này đã buộc phải hủy bỏ. Thông báo đột xuất này đã gây ra sự bối rối cho nhiều hành khách.


Ngoại trưởng G7 và Đại diện cấp cao EU ngày 17/6 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về quyết định của Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong. Tuyên bố chung cho biết, quyết định của Trung Quốc không phù hợp với Luật cơ bản Hong Kong và các cam kết quốc tế của Trung Quốc theo các nguyên tắc của Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh có tính ràng buộc về pháp lý.


Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 18/6, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 8.382.495 trường hợp, trong đó 450.213 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 4.377.079 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. 


Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 23.675 ca mắc và 783 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 2.232.075 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 119.915 trường hợp. Các quan chức Mỹ cho hay loại vaccine COVID-19 mà chính quyền Tổng thống Trump hy vọng sẽ có vào tháng 1 năm sau, có thể không cho hiệu quả như nhau với toàn dân.

MỚI - NÓNG