THẾ GIỚI 24H: Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố thêm các lựa chọn nhân sự

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice (phải) và ông Joe Biden. Ảnh: Getty Images
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice (phải) và ông Joe Biden. Ảnh: Getty Images
TPO - Ngày 10/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã lựa chọn cựu Thống đốc bang Iowa Tom Vilsack làm Bộ trưởng Nông nghiệp trong chính quyền tương lai.

Ông Vilsack, 69 tuổi, từng 8 năm làm Bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và là Thống đốc bang Iowa từ năm 1999-2007. Ông được coi là một lựa chọn đúng đắn vì có quan điểm chính trị ôn hòa và quan hệ lâu năm với những chủ trang trại quy mô lớn. Cùng ngày, ông Biden đã bổ nhiệm bà Susan Rice làm lãnh đạo Hội đồng chính sách trong nước. Bà Susan Rice từng là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Obama. Vị trí của bà Susan Rice không cần Thượng viện Mỹ thông qua. Ngoài ra, một gương mặt khác cũng đang được ông Biden cân nhắc lựa chọn cho vị trí lãnh đạo Bộ Cựu chiến binh.


Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Cơ quan Tình báo Hà Lan (AIVD) cho biết nước này đã yêu cầu trục xuất hai nhà ngoại giao Nga với cáo buộc gián điệp công nghệ cao. Theo AIVD, hai nhà ngoại giao thực chất làm việc cho Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR). Một trong số đó được cho là đã "thiết lập quan hệ với những người có quyền tiếp cận với các thông tin mật trong lĩnh vực công nghệ cao", và đôi khi dùng tiền để đổi lấy thông tin.


Ngày 10/12, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Maroc đã bình thường hóa quan hệ với Israel. Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Một bước đột phá lịch sử khác ngày hôm nay! Hai người bạn tuyệt vời của chúng ta là Israel và Vương quốc Maroc đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ - một bước đột phá to lớn cho hòa bình Trung Đông." Trước đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tòa án Liban ngày 10/12 cho biết một thẩm phán nước này đã buộc tội Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab và 3 cựu bộ trưởng thiếu trách nhiệm trong vụ nổ kho cảng ở thủ đô Beirut hôm 4/8 gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nguồn tin cho rằng: "Họ đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh vụ nổ và những thiệt hại nặng nề của nó." Ngày 10/8/2020, ông Diab đã tuyên bố từ chức sau khi vụ nổ xảy ra và hiện làm Thủ tượng tạm quyền cho tới khi người kế nhiệm thành lập được chính phủ mới. Nhà chức trách Liban cho rằng số hóa chất này chính là nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Một số bức ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy, Tehran có thể đang xây cơ sở hạt nhân dưới lòng đất gần tổ hợp Natanz thuộc tỉnh Isfahan. Sputnik dẫn lời chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận định, chính quyền Iran đang có một số hoạt động dưới lòng đất gần tổ hợp hạt nhân Natanz. “Những bức ảnh được vệ tinh của Planet Labs chụp cho thấy có các lối đi vào công trình nằm dưới lòng đất gần tổ hợp Natanz tại Iran”, ông Lewis nói.

Ngày 10/12, truyền thông Nga đưa tin, chính quyền Mỹ đã mở rộng danh sách trừng phạt theo đạo luật Magnitsky toàn cầu, bổ sung thêm 5 cá nhân và 6 pháp nhân, bao gồm cả những người đến từ Liên bang Nga, những người có quan hệ với người đứng đầu cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov. Người đứng đầu cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyro, người mà trước đó Washington đã đưa ra một số hạn chế, cũng được thêm vào danh sách trừng phạt theo đạo luật Magnitsky toàn cầu. Theo các nhà chức trách Mỹ, các biện pháp hạn chế đang được đưa ra liên quan đến việc "vi phạm nghiêm trọng nhân quyền".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông báo tài khoản Twitter của cơ quan này đã bị tin tặc đột nhập và tweet lại một cáo buộc về gian lận bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tối 9/12, Tổng thống Trump đăng trên Twitter: “Tại sao cuộc bầu cử này không lập tức bị đảo ngược khi có tình trạng gian lận và ở đây là đảng Dân chủ? Làm thế nào một quốc gia lại được vận hành như vậy?”. Chỉ vài phút sau đó, tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã chia sẻ nội dung này của nhà lãnh đạo Mỹ khiến nhiều người sử dụng mạng xã hội quan tâm. Đại sứ quán Trung Quốc sau đó thông báo: “Tài khoản Twitter của chúng tôi bị đột nhập vào chiều nay và chúng tôi phản đối hành động này”.

Nhà chức trách Đức cho biết ngày 10/12, hàng trăm cảnh sát đã tiến hành chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức tại 2 thành phố Berlin và Hamburg. Trên mạng xã hội Twitter, Văn phòng Công tố Berlin thông báo hơn 500 cảnh sát đang thực thi 27 lệnh khám xét và 3 lệnh bắt giữ tại 2 thành phố Berlin và Hamburg. Trong khi đó, truyền thông đưa tin mục tiêu của các cuộc lục soát nhằm vào 2 nhóm được gọi là "gia tộc" gồm Abu-Chaker gốc Arab và Surer gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo Tagesspiegel, các cuộc khám xét bắt đầu lúc 6 giờ theo giờ địa phương (tức 12 giờ giờ Việt Nam) nhằm vào những "gia tộc" tiến hành các giao dịch bất động sản trái phép. Riêng tại Berlin, cảnh sát đã lục soát một số địa điểm tại các quận Charlottenburg, Mitte và Spandau.
MỚI - NÓNG