THẾ GIỚI 24H: Sudan giải tán chính phủ, thiết lập tình trạng khẩn cấp

Người dân Sudan biểu tình phản đối Chính phủ do điều kiện sống ngày càng xấu đi và các khó khăn về kinh tế liên tục gia tăng, tại thành phố Omdurman ngày 15/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân Sudan biểu tình phản đối Chính phủ do điều kiện sống ngày càng xấu đi và các khó khăn về kinh tế liên tục gia tăng, tại thành phố Omdurman ngày 15/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
TPO - Ngày 22/2, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã tuyên bố giải tán chính phủ nước này và thiết lập tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. 

Đây được xem là nỗ lực nhằm dập tắt các vụ biểu tình phản đối chính phủ gây ra nhiều vấn đề ở quốc gia này trong suốt nhiều tuần vừa qua. Theo đó, chính quyền ở cấp liên bang và cấp tỉnh sẽ bị giải tán, đồng thời tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài trong 1 năm. Các cuộc biểu tình đẫm máu đã xảy ra ở quốc gia Đông Phi kể từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối chính phủ tăng gấp 3 lần giá bánh mì, đồng thời bày tỏ sự bất bình với những chính sách quản lý kinh tế sai lầm của chính quyền Tổng thống Bashir.


Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt giữ 295 sĩ quan quân đội với cáo buộc những đối tượng này có liên quan đến mạng lưới của Giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. Thông báo ngày 22/2 của Văn phòng Công tố Istanbul cho biết các đối tượng bị bắt giữ theo lệnh trên gồm 3 đại tá, 8 thiếu tá và 10 trung úy cùng sĩ quan quân đội phiên chế lực lượng hải quân và không quân.


Giới chức Indonesia ngày 22/2 thông báo cảnh sát nước này đã đập tan một âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào cảnh sát, thu giữ một lượng lớn vũ khí tại tỉnh Yogyakarta. Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Tướng Dedi Prasetyo cho biết cảnh sát đã bắt giữ kẻ chủ mưu có tên là Abu Hilwa biệt danh Andalus, trong khi vẫn đang truy lùng một số nghi can khác.


Sau vụ tấn công ở Pulwama, Ấn Độ đã áp dụng một số biện pháp trả đũa như rút lại quy chế tối huệ quốc đối với Pakistan, áp thuế 200% đối với hàng hóa từ Pakistan,... Sau khi phát động chiến tranh ngoại giao, Ấn Độ đã quyết định chặn dòng nước chảy vào Pakistan từ các con sông ở miền Đông do nước này kiểm soát, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước láng giềng Nam Á này gia tăng sau vụ đánh bom liều chết làm 40 binh sĩ và thành viên lực lượng bán quân sự của Ấn Độ thiệt mạng tại khu vực Kashmir.


Ngày 22/2, Iran bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn tại cửa ngõ vùng Vịnh, trong đó sẽ có hoạt động phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm đầu tiên của nước này. Hơn 100 tàu đã tham gia vào cuộc tập trận kéo dài 3 ngày trong một khu vực rộng lớn trải dài từ eo biển Hormuz đến Ấn Độ Dương.


Cuộc chiến chống bạo lực ở Brazil vẫn diễn ra hết sức quyết liệt. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên chiến sẽ mạnh tay với các băng đảng tội phạm với khẩu hiệu “30 viên đạn cho mỗi tên cướp”. Tuy nhiên, nhiều người dân lên tiếng cho biết, họ đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ chính cuộc đối đầu giữa cảnh sát và các băng đảng.


Hôm nay, 23/2, khắp nơi trên đất nước Nga tưng bừng diễn ra các hoạt động kỷ niệm Ngày bảo vệ Tổ quốc. Còn tối qua, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga V.Putin đã tham dự lễ kỷ niệm long trọng và phát biểu chúc mừng các cựu chiến binh, các quân nhân, nhân viên dân sự của Các Lực lượng Vũ trang, những người phục vụ trong Quân đội và Hạm đội Nga.


Ngày 22/2, Tổng thống Donald Trump đã bác khả năng giảm lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc như một phần trong thỏa thuận của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa nước này với Triều Tiên sắp tới. Trả lời phóng viên khi được hỏi về khả năng liệu Mỹ có thể giảm bớt số quân, hiện khoảng 28.500 binh sĩ, đang đóng ở Hàn Quốc trong thời gian tới hay không, Tổng thống Trump cho biết: “Không. Đó không phải là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận”. 

MỚI - NÓNG