Quan chức quân đội Mali cho biết, Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane đã được thả vào chiều ngày 27/5 (theo giờ địa phương). Trong khi đó, gia đình hai nhà lãnh đạo này cũng xác nhận họ đã được trả tự do và trở về nhà của mình ở thủ đô Bamako. Việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo lâm thời của Mali là một trong những điều kiện được cộng đồng quốc tế đưa ra, sau khi nước này chứng kiến cuộc đảo chính thứ hai trong vòng 9 tháng.
Ngày 27/5, Mỹ thông báo với Nga rằng nước này sẽ không tái nhập Hiệp ước Bầu trời mở. Thông báo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đang chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước vào tháng tới. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thông báo tới phía Nga rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định không tái nhập Hiệp ước Bầu trời mở. Quyết định này có nghĩa hiện sẽ chỉ còn có duy nhất một hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn giữa hai cường quốc hạt nhân đó là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới vừa được gia hạn thêm 5 năm giữa hai nước.
Ngày 27/5, cả Ukraine và Nga đều thông báo đã sơ tán hàng chục công dân của họ khỏi Dải Gaza cho dù xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hames của Palestine đã tạm thời dừng lại sau thỏa thuận ngừng bắn. Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay một máy bay chở 109 những người có hộ chiếu Ukraine yêu cầu rời khỏi vùng lãnh thổ này đã hạ cánh tại sân bay Kiev vào sáng 27/5. Ông Zelensky cho biết thêm máy bay này cũng chở 13 người Moldova và bốn người Bulgaria tới Kiev.
Đêm 27/5, một tàu chở hàng của Nhật Bản đã va chạm với tàu có quốc tịch nước ngoài tại vùng biển nội địa Seto, ngoài khơi tỉnh Ehime và bị lật sau đó. 9/12 thuyền viên đã được cứu sống, 3 người còn lại hiện đang mất tích. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, vụ va chạm xảy ra vào khoảng 23 giờ 55 phút (giờ Nhật Bản) ngày 27/5 tại eo biển Kurushima, cách thành phố Imabari, tỉnh Ehime khoảng 3km giữa tàu hàng của Nhật Bản Byakko trọng tải hơn 11.000 tấn với tàu chở hóa chất Ulsan Pioneer, đăng ký quần đảo Marshall, trọng tải 2.700 tấn.
Ngày 27/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thừa nhận vai trò của nước này trong vụ thảm sát người sắc tộc Tutsi tại Rwanda năm 1994, bao gồm việc ủng hộ chế độ diệt chủng và phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm sát. Ông Macron nhận trách nhiệm của Pháp vì đã gây đau khổ cho người dân Rwanda khi phải rất lâu sau mới mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ vai trò của Pháp. Theo ông, chỉ có người dân Rwanda mới có thể tha thứ cho Pháp vì vai trò của nước này trong nạn diệt chủng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định nước này “không phải đồng phạm” trong nạn diệt chủng tại Rwanda. Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp thăm Rwanda trong 11 năm qua.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 27/5, Chủ tịch Quốc hội Syria - ông Hammouda Sabbagh thông báo Tổng thống Bashar al-Assad đã trúng cử nhiệm kỳ thứ 4 với 95,1% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 26/5. Theo Chủ tịch Quốc hội Sabbagh, đã có 14,2 triệu cử tri Syria đi bỏ phiếu, đạt tỉ lệ 76,64. Kết quả bầu cử chính thức cũng cho biết 2 ứng cử viên tổng thống khác là cựu Thứ trưởng Nội các Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - lãnh đạo một đảng đối lập nhỏ theo đường lối ôn hòa tại Syria, nhận được tương ứng là 1,5 % và 3,3% số phiếu bầu.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 512.000 ca bệnh COVID-19 và trên 11.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 169,5 triệu ca, trong đó trên 3,52 triệu ca tử vong. Số ca mắc và tử vong mới vì COVID-19 ở Ấn Độ vẫn cao nhất thế giới dù đã có xu hướng giảm.
Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại khu vực Rivne, Tây Bắc nước này. Khoảng 2.000 quân nhân đã tham gia cuộc tập trận nêu trên, với 150 loại khí tài quân sự. Ukrinform dẫn lời Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine - Thượng Tướng Ruslan Khomchak, cho biết các cuộc tập trận này "nhằm cải thiện kĩ năng và năng lực của các tư lệnh trong việc sử dụng vũ khí một cách hiệu quả, theo đó giảm thiểu tổn thất đối với lực lượng của mình, song gia tăng đáng kể tác động đối với quân thù".
Nhà chức trách Azerbaijan ngày 27/5 đã bắt giữ 6 binh sĩ Armenia. Thông tin vừa được Bộ Quốc phòng 2 nước xác nhận. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc binh sĩ Armenia cố tình băng qua biên giới nước này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng, vụ bắt giữ diễn ra khi các binh sĩ Armenia đang thực hiện hoạt động kỹ thuật ở biên giới phía Đông khu vực Gegharkunik, giáp với Azerbaijan. Armenia đang tiến hành các biện pháp cần thiết để đưa các binh sĩ này về nước.