THẾ GIỚI 24H: Pháp triệu hồi 2 đại sứ về nước vì lí do 'đặc biệt nghiêm trọng'

0:00 / 0:00
0:00
Tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp.
Tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp.
TPO - Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia được triệu hồi về nước để tham vấn liên quan đến việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.

Bộ Ngoại giao Pháp tối 17/9 phát đi thông cáo cho biết, nước này triệu tập Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước ngay lập tức để tham vấn sau sự việc “đặc biệt nghiêm trọng” liên quan đến việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để nhận tàu ngầm động cơ hạt nhân của Mỹ. Trong thông cáo chính thức được công bố vào tối 17/9 (theo giờ Paris), Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian viết: “Theo yêu cầu của Tổng thống Cộng hòa Pháp, tôi đã quyết định triệu tập ngay lập tức hai Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn. Quyết định ngoại lệ này là do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các tuyên bố do Australia và Mỹ đưa ra vào ngày 15/9”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pháp quyết định triệu hồi Đại sứ tại hai quốc gia Australia và Mỹ về nước. Giới ngoại giao Pháp đánh giá, đây là một động thái thể hiện mức độ căng thẳng đặc biệt trong quan hệ ngoại giao của Pháp với Mỹ, một trong những đồng minh chiến lược có lịch sử lâu đời nhất của Pháp.

Quân đội Mỹ ngày 17/9 đã xác nhận, vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Thủ đô Kabul hồi tháng trước đã giết chết 10 thường dân Afghanistan, trong đó có 7 trẻ em và xin lỗi về sai lầm thảm khốc đó. Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, vụ tấn công ngày 29/8 diễn ra khi các lực lượng nước ngoài hoàn thành những giai đoạn cuối cùng trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Vụ tấn công đó nhằm vào 1 kẻ đánh bom liều chết của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng ở Afghanistan (ISIS-K), được cho là sẽ tiến hành tấn công Sân bay Quốc tế Hamid Kazai ở Kabul. Tuy vậy, sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra trong vụ tấn công đó.


Ngày 17/9, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông báo cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.


Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 17/9 cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã bỏ phiếu trực tuyến trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng đã bỏ phiếu trực tuyến, thực hiện quyền công dân từ văn phòng của mình. Theo ông Mishustin, việc bỏ phiếu là quan trọng đối với tất cả mọi người.


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 496.228 trường hợp mắc COVID-19 và 8.697 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 228 triệu ca, trong đó gần 4,7 triệu người không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 228.296.573 ca, trong đó có 4.692.822 người tử vong. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.


Hôm 17/9, AAP đưa tin Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Wang Wentao đã đệ trình đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do trong một lá thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor. CPTPP đã được ký kết bởi 11 quốc gia trong đó có Australia, Canada, Chile, Nhật Bản và New Zealand vào năm 2018.


Lầu Năm Góc ngày 17/9 thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điều 100 binh sỹ Vệ binh Quốc gia tới thủ đô Washington DC nhằm hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát bảo vệ Điện Capitol trong trường hợp cần thiết. Phát ngôn viên Lầu Năm góc cho biết quyết định trên được đưa ra theo yêu cầu của cảnh sát Điện Capitol để đối phó với một cuộc biểu tình sẽ diễn ra vào ngày 18/9 nhằm ủng hộ những người đang đối mặt với truy tố hình sự do liên quan đến vụ bạo động diễn ra ngày 6/1/2021. Các binh sỹ Vệ binh Quốc gia sẽ đóng ở bên ngoài khu luyện tập quân sự ở thủ đô Washington DC và sẽ được triển khai sau khi các lực lượng thực thi pháp luật địa phương, bang và liên bang được sử dụng.

Iran đã chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 17/9. Tờ Tehran Times đưa tin quyết định kết nạp Iran là thành viên chính thức đã được tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các nhà lãnh đạo SCO tổ chức tại Dushanbe, Tajikistan. Trước đó, Iran là thành viên quan sát của tổ chức SCO. Năm 2001, SCO được thành lập với 6 thành viên sáng lập gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga, Uzbekistan và Tajikistan. Hiện nay, SCO có 8 quốc gia thành viên khi vào năm 2017, Ấn Độ và Pakistan đã góp mặt. Như vậy, Iran là thành viên thứ 9 của SCO.


Theo đài Sputnik (Nga), Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông Đại chúng của Nga cho biết hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của nước này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) từ các địa chỉ IP được đăng ký ở Mỹ, Đức và Ukraine. Các cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu tổng tuyển cử cả trực tiếp và trực tuyến bắt đầu ở Nga. Bộ cho biết các cuộc tấn công nhắm vào hệ thống xác thực, nhưng chưa ảnh hưởng đến hoạt động của nó.


Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 trong một ngày. Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950). Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ, tính đến 19h (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi.


Các sân bay ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang triển khai chó nghiệp vụ có khả năng đánh hơi, phát hiện người mắc COVID-19 với độ chính xác gần như tuyệt đối. Theo đó, tại các sân bay ở khắp UAE có 38 chú chó hỗ trợ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống dịch. Cảnh sát Dubai đã huấn luyện những chú chó này bằng cách cho ngửi mồ hôi của những người đã mắc COVID-19. Những chú chó giỏi nhất có thể đánh hơi, phát hiện mùi của người mắc bệnh chỉ sau vài giây. Cảnh sát cho biết những chú chó này hiện chủ yếu làm nhiệm vụ tại sân bay nhưng sẵn sàng có mặt ở bất cứ nơi nào được yêu cầu.

MỚI - NÓNG