Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS ngày 13/11, tỷ phú Trump nhấn mạnh: "Những gì mà chúng tôi sắp làm là buộc các thành phần bao gồm tội phạm, người có tiền án tiền sự, thành viên của các băng nhóm, những kẻ buôn bán ma túy, ước tính khoảng 2 triệu và thậm chí tới 3 triệu người, phải rời khỏi đất nước chúng ta hoặc bị tống giam. Họ ở đây bất hợp pháp". Theo ông Trump, sau khi đường biên giới được tăng cường an ninh, các quan chức phụ trách nhập cư của nước này sẽ bắt đầu đưa ra quyết định về số phận những người nhập cư không có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Mỹ.
Trong lúc còn nhiều dấu hỏi về chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như số phận của chính sách xoay trục sang châu Á, bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, vừa có bài viết “Sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương phải tiếp tục” đăng trên tạp chí Foreign Policy, nhấn mạnh việc Mỹ phải duy trì can dự kinh tế mạnh mẽ và đẩy mạnh quan hệ trong khu vực quan trọng chiến lược này. (XEM CHI TIẾT)
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa thông báo công khai tuyển dụng 4.000 vị trí làm việc trong chính quyền trước khi nhậm chức vào tháng 1/2017. Phần lớn các vị trí cần tuyển dụng bao gồm các bộ trưởng, thứ trưởng, đại sứ, Văn phòng điều hành của Tổng thống, nhân viên Nhà Trắng và các nhà hoạch định chính sách…Các ứng cử viên xin việc trong chính quyền Tổng thống Trump cần nộp bản hồ sơ đã được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công nhận, bao gồm lý lịch cá nhân, lịch sử công việc, hồ sơ y tế, tài chính, quân sự, giáo dục…
Phát biểu với báo giới ngày 13/11, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có lập trường giống nhau về một loạt vấn đề.
Ông Volodin cho hay: "Tổng thống chúng tôi nói về cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ lợi ích đất nước chúng tôi, trong đó chú ý đến lợi ích các quốc gia khác. Tổng thống chúng tôi nói về thắt chặt lợi ích và thường xuyên nói về điều này. Giữa ông Putin và Trump có rất nhiều điểm chung, rất nhiều lập trường giống nhau."
Tròn 1 năm xảy vụ thảm sát đêm 13/11/2015 ở thủ đô Paris, nhiều hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức tại Paris và vùng phụ cận để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Tổng thống Pháp François Hollande và Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo đã tham dự lễ khai trương các tấm biển tưởng niệm các nạn nhân tại các quán rượu và nhà hàng, mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo cách đây đúng một năm. Lễ tưởng niệm cuối cùng sẽ diễn ra tại nhà hát Bataclan tại Paris, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin khiến 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Các công tố viên Hàn Quốc ngày 13/11 đã thẩm vấn nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn, trong đó có Samsung Electronics và Hyundai Motor, về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân của Tổng thống nước này Park-Geun Hye. Cùng ngày, nhiều nguồn tin từ cơ quan công tố Hàn Quốc cho biết Tổng thống Park Geun-hye có thể sẽ bị thẩm vấn, sớm nhất là vào tuần sau, về vai trò của bà trong vụ bê bối tham nhũng nói trên.
Quân đội Iraq ngày 13/11 thông báo đã giải phóng thành phố Nimrud và cắm quốc kỳ trên các tòa nhà. Lực lượng Iraq cũng giành lại làng Numaniya ở phía Đông Nam Nimrud.
Hồi tháng 4/2015, nhóm phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã đăng một video trên mạng cho thấy các tay súng đã san phẳng thành phố cổ Nimrud bằng máy khoan và chất nổ.
Một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter xảy ra vào lúc 23h02 ngày 13/11 ở khu vực Đảo Nam, New Zealand, gây sóng thần. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn trận động đất ở độ sâu 23 km, cách thành phố Christchurch khoảng 95 km. Christchurch hiện vẫn trong quá trình khôi phục sau trận động đất vào năm 2011 khiến 185 người chết và tàn phá nặng nề khu vực trung tâm thành phố.
Nhật báo Echorouk ngày 13/11 đưa tin Algeria sẵn sàng tiếp nhận 14 máy bay tiêm kích Su-30MKI(A) từ Nga, theo một hợp đồng mà hai bên đã ký năm 2015. Hai bên sẽ thực hiện việc giao nhận hàng trong khoảng thời gian từ năm 2016-2017. Hiện tại, Algeria đang sử dụng 44 tiêm kích Su-30MKI(A) do tập đoàn Irkut sản xuất.