THẾ GIỚI 24H: Nhật Bản phát triển vắc xin COVID-19 bảo vệ trọn đời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vắc xin này cung cấp khả năng miễn dịch trọn đời, lại chỉ cần tiêm một mũi duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Tờ Japan Times đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo đang nghiên cứu một loại vắc xin phòng COVID-19 không chỉ mang lại khả năng miễn dịch suốt đời mà còn có thể được vận chuyển ở nhiệt độ phòng, dễ dàng đưa đến những nơi xa xôi trên thế giới. Loại vắc xin mới đang được phát triển bởi nhà nghiên cứu Michinori Kohara và nhóm cộng sự của ông, dựa trên loại vắc xin thành công nhất từng được sử dụng trong lịch sử - một loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thử nghiệm vắc xin nói trên chống lại 4 biến thể COVID-19 “đáng lo ngại” trước đây (theo phân loại của WHO) và nhận thấy chúng có hiệu quả.


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.394.7438 trường hợp mắc COVID-19 và 6.352 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 288.473.000 ca, trong đó trên 5,45 triệu người không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 288.473.658 ca, trong đó có 5.452.547 người tử vong. Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, khiến số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại.


Ngày 31/12/2021, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự này sẵn sàng đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất rằng NATO cần đưa ra đảm bảo về an ninh với Moskva. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Blinken và Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã thảo luận về đối thoại an ninh chiến lược Mỹ-Nga dự kiến diễn ra vào ngày 10/1/2022 và cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga dự kiến vào ngày 12/1/2022.


Du học sinh Trung Quốc giành giật vé máy bay. Nhiều người trẻ Trung Quốc đang vật lộn để có được chuyến bay hồi hương trong bối cảnh các hãng hàng không Mỹ hủy dịch vụ vì thiếu nhân sự và thời tiết xấu. Đối với một số người cố gắng đặt lại các chuyến bay đã bị hủy, đôi khi với mức giá cắt cổ, mối quan tâm cấp bách hơn là nguy cơ ở quá hạn visa hoặc khả năng bỏ lỡ công việc đang chờ tại quê nhà.


Một nghiên cứu mới phát hiện, những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin của Sinovac có thể cần tới 2 mũi Pfizer tăng cường để phòng biến thể Omicron. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 31/12 trích dẫn một báo cáo nghiên cứu mới đăng tải trên trang tin tức y tế medRxiv.org cho hay, những người đã được tiêm bổ sung một mũi vắc xin Pfizer sau khi tiêm đủ 2 liều vắc xin Sinovac sẽ tạo lượng kháng thể bảo vệ cao hơn so với người chỉ tiêm 2 mũi Pfizer. Song, sự kết hợp trên vẫn chưa đủ để ngăn chặn nguy cơ mắc Omicron.


Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã được ra tù hôm 31/12 gần 4 năm 9 tháng sau khi bị kết tội tham nhũng, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu bà sẽ đóng bất kỳ vai trò nào trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Ba tới của Hàn Quốc. Bà Park phải chịu bản án tổng hợp 22 năm tù kể từ tháng 3/2017 sau khi bị luận tội và cách chức vì tham nhũng cùng một vụ bê bối gây ảnh hưởng liên quan đến một người bạn thân bị cáo buộc thao túng bà. Tổng thống Moon Jae-in đã ân xá đặc biệt cho bà Park vào tuần trước, với lý do sức khỏe của bà đang giảm sút và bày tỏ hy vọng "vượt qua quá khứ đáng tiếc và thúc đẩy đoàn kết dân tộc".


Ngày 31/12, Bộ Quốc phòng Israel cho biết nước này đã ký thỏa thuận với Mỹ để mua 12 máy bay trực thăng CH-53K của tập đoàn Lockheed Martin và 2 máy bay tiếp liệu KC-46 của hãng Boeing, ước tính tổng trị giá khoảng 3,1 tỷ USD. Thỏa thuận ký ngày 30/12, là một phần trong gói nâng cấp năng lực không quân của Israel và bao gồm cả lựa chọn mua thêm 6 máy bay trực thăng. Theo thông báo, những chiếc trực thăng đầu tiên sẽ đến Israel vào năm 2026.


Bộ Nội vụ Indonesia đang thử nghiệm cấp thẻ căn cước công dân điện tử (e-KTP) dưới dạng mã phản hồi nhanh (QR Code) chỉ cần lưu trên điện thoại di động thay vì thẻ vật lý. Tổng Cục trưởng Dân số và Đăng ký hộ tịch thuộc Bộ Nội vụ Zudan Arif Fakrulloh cho biết người dân chỉ cần xuất trình mã QR khi cần khai báo dữ liệu dân cư. Các dữ liệu dân cư này đã được lưu giữ sẵn trên e-KTP.

MỚI - NÓNG