THẾ GIỚI 24H: Nhà Trắng tổ chức lễ chia tay ông Trump tại căn cứ không quân

THẾ GIỚI 24H: Nhà Trắng tổ chức lễ chia tay ông Trump tại căn cứ không quân
TPO - Bloomberg đưa tin Nhà Trắng đang lên kế hoạch tổ chức lễ chia tay Tổng thống Trump tại căn cứ không quân Andrews trước khi ông lên máy bay tới Florida.
Lễ chia tay dự kiến tổ chức vào 8h sáng 20/1. Căn cứ không quân Andrews, nằm cách thủ đô Washington, D.C. khoảng 24 km là nơi ông Trump lên chuyên cơ Không lực Một trở về Florida.  Thư mời tham dự sự kiện trên được gửi tới các cựu quan chức trong chính quyền Trump và các nhà tài trợ. Các khách mời được đề nghị tới trước 7h15. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này. Truyền thông Mỹ loan tin ông Trump sẽ rời thủ đô Washington DC vào sáng 20/1, đúng ngày nhậm chức của ông Biden. Với quyết định này, ông Trump trở thành Tổng thống thứ tư trong lịch sử nước Mỹ không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Sở Mật vụ Mỹ cho biết khu vực Điện Capitol đã bị phong tỏa tạm thời hôm thứ Hai, 18/1, sau khi một đám cháy nhỏ bùng phát gần đó.Theo Reuters, Điện Capitol đã bị phong tỏa trong một khoảng thời gian ngắn, và buổi diễn tập cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden đã bị gián đoạn sau khi cơ quan an ninh phát hiện “mối đe dọa an ninh từ bên ngoài”. Quyết định đóng cửa khu vực tòa nhà Quốc hội được đưa ra bởi quyền Cảnh sát trưởng Điện Capitol. Tất cả những người tham gia buổi diễn tập cho lễ nhậm chức của ông Biden đã được sơ tán vào bên trong tòa nhà, theo một nhân chứng của Reuters.

Ít nhất 21 bang ở Mỹ đã triển khai lực lượng vệ binh quốc gia tại thủ phủ bang trước nguy cơ mất an ninh trong dịp lễ nhậm chức tổng thống. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo về các cuộc biểu tình có vũ trang tại thủ phủ toàn bộ 50 bang trên khắp nước Mỹ và thủ đô Washington. Cảnh báo được đưa ra sau khi một nhóm người biểu tình kêu gọi người dân chiếm các tòa nhà hành chính, tòa án liên bang, tiểu bang và địa phương trong ngày diễn ra lễ nhậm chức tổng thống.

Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào quan chức Mỹ vì “hành vi xấu” đối với Đài Loan, đồng thời phàn nàn về "chính sách tiêu thổ" của chính quyền Tổng thống Trump, điều tạo ra rào cản cho chính quyền Mỹ sắp tới, theo đài RT. Phát biểu hôm 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu Mỹ ngay lập tức chấm dứt hành vi “sai trái” chống lại Trung Quốc. Bà Hoa cho rằng Mỹ đã bắt nạt các công ty Trung Quốc cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Tunisia Khaled Hayoumi cho biết lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ 632 người và triển khai quân đội sau đêm bạo loạn thứ 3 liên tiếp. Nòng cốt của các cuộc bạo loạn chủ yếu là thanh niên, trong độ tuổi từ 15 - 25 ở các quận lao động của một số thành phố. Những người này đã đốt lốp xe và thùng phuy để ngăn chặn đường di chuyển của lực lượng an ninh.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18/1, thế giới ghi nhận tổng cộng 95.580.387 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 2.041.716 ca tử vong. Hơn 68,28 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 25,25 triệu ca bệnh vẫn đang được điều trị.

Theo số liệu thống kê mới nhất do hãng tin AFP công bố ngày 18/1, đã có hơn 40 triệu liều vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy có tới 9/10 số vắcxin trên được triển khai tại 11 quốc, trong đó Israel là quốc gia dẫn đầu cuộc chạy đua tiêm chủng vắcxin hàng loạt tính theo tỷ lệ dân số. Theo đó, đến nay quốc gia Trung Đông này đã tiêm 2,43 triệu liều vắcxin cho 2,12 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số và khoảng 3,6% dân số Israel đã được tiêm liều thứ hai.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/1 tuyên bố Moskva sẵn sàng thỏa thuận nhanh chóng với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), theo lộ trình sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2 tới. New START dự kiến có thể được gia hạn 5 năm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng Moskva sẵn sàng kéo dài vă  kiện này mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Điện Kremlin cũng lên tiếng sẵn sàng gia hạn hiệp ước trong thời gian ngắn hơn như chính quyền của Tổng thống Trump đã cân nhắc. Các cuộc đàm phán về việc gia hạn hiệp ước đã bị gián đoạn do căng thẳng giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine, sự liên quan của Moskva trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và một số vấn đề khác.

Ngày 18/1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trục xuất hai nhà ngoại giao Hà Lan nhằm đáp trả việc Amsterdam trục xuất hai nhà ngoại giao của Moskva hồi tháng trước với cáo buộc gián điệp. Thông báo của bộ trên nêu rõ: "Căn cứ trên nguyên tắc có đi có lại, Nga quyết định trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Hà Lan ở Moskva."


Hãng thông tấn Yonhap ngày 18/1 đưa tin Seoul đã rút Cheonghae, đơn vị hải quân chống cướp biển của Hàn Quốc, khỏi Eo biển Hormuz. Động thái này diễn ra trước khi phái đoàn Hàn Quốc, do Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choi Jong-kun dẫn đầu, đến Tehran vào ngày 10/1 để đàm phán với các quan chức cấp cao Iran về vụ bắt giữ và các vấn đề khác. “Để tạo bầu không khí tốt đẹp cho các cuộc đàm phán, Cheonghae mà Iran đã phản ứng một cách nhạy cảm, đã được điều động khỏi Eo biển Hormuz. Đây là quyết định nhằm gửi một tín hiệu thân thiện tới Iran trước cuộc đàm phán", nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã từ chối xác nhận sự việc nói trên.

MỚI - NÓNG