THẾ GIỚI 24H: Nhà báo muốn tác nghiệp... phải nộp lệ phí

THẾ GIỚI 24H: Nhà báo muốn tác nghiệp... phải nộp lệ phí
TPO - Theo quyết định mới nhất của Chính phủ Bỉ, các nhà báo Bỉ cũng như nước ngoài đăng ký hoạt động tại nước này sẽ phải trả một khoản tiền được gọi là “lệ phí an ninh” để được tham gia đưa tin tại các Hội nghị Thượng đỉnh của EU tổ chức tại Brussels.

Khoản “lệ phí an ninh” với các nhà báo sẽ được thu lần đầu tiên kể từ Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới. Việc Chính phủ Bỉ yêu cầu các nhà báo muốn tác nghiệp tại sự kiện quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) phải nộp lệ phí gọi là “lệ phí an ninh” đang gây sự phản ứng mạnh mẽ. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1-8 đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Chính phủ Bỉ áp đặt một khoản phí đối với các nhà báo tham gia đưa tin tại các Hội nghị thượng đỉnh của EU họp ở Thủ đô Brussels của Bỉ. Cơ quan giữ vai trò hành pháp của EU này cũng tuyên bố sẵn sàng xem xét tất cả những đơn kiện phản đối quyết định mới của Chính phủ Bỉ, vốn bị các hiệp hội nghề nghiệp coi là sự phân biệt đối xử.


Ông Andrey Nazarov, đồng Chủ tịch Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế quốc tế Yalta, ngày 2/8 dự đoán Crimea sẽ phát triển tương đương Công quốc Monaco trong 5-10 năm tới, đặc biệt trong bối cảnh bán đảo Biển Đen này có nhiều cơ hội đầu tư hơn Monaco. Tại cuộc họp giữa đoàn đại biểu các chính trị gia và doanh nhân Slovakia với lãnh đạo thành phố Yalta, ông Nazarov nhấn mạnh nếu Crimea trở thành Monaco, Yalta sẽ trở thành Monte Carlo. Theo ông, sự quan tâm ngày càng tăng của các đoàn đại biểu nước ngoài tại Crimea cho thấy các biện pháp trừng phạt Nga không thể kéo dài. Crimea, lãnh thổ cũ của Ukraine, sáp nhập vào Nga năm 2014, khi 97% cư dân bán đảo bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân. Sự sáp nhập này không được Kiev và phần lớn các nước phương Tây công nhận và các biện pháp trừng phạt Nga đã được áp dụng.


Báo cáo của Trung tâm Ký ức Lịch sử Quốc gia Colombia ngày 2/8 cho biết có tới 262.000 người thiệt mạng và 80.514 người mất tích do xung đột vũ trang tại quốc gia Nam Mỹ trong suốt 60 năm qua. Theo số liệu của báo cáo, trong 60 năm qua, tại Colombia còn xảy ra 37.000 vụ bắt cóc, hơn 24.000 vụ thảm sát, 18.000 trẻ em bị ép buộc phải gia nhập các nhóm vũ trang và 15.000 người là nạn nhân của bạo lực tình dục. Trong số các nạn nhân thiệt mạng đại đa số là dân thường, chiếm khoảng 215.000 người, và gần 47.000 binh sỹ. Các nhóm bán quân sự được cho là thủ phạm của phần lớn số vụ tấn công gây thiệt mạng người nói trên.


Không quân Trung Quốc đã thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo chống hạm trang bị cho các máy bay ném bom H-6K. Về nhiệm vụ và tầm xa hoạt động, vũ khí này giống với tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Hiện chưa có những thông tin chính thức về loại vũ khí mới này. Nhưng theo những thông tin từ hãng The National Interest thì vũ khí này của Trung Quốc có thể được điều chỉnh để giống với một trong những tên lửa đạn đạo loại nhỏ bố trí trên mặt đất, ví dụ như DF-15.


Không quân Mỹ buộc phải nhấn nút tự hủy sau khi tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III, trị giá 7 triệu USD, bị chệch quỹ đạo trong một thử nghiệm gần đây. Theo Military.com, website chính thức của quân đội Mỹ, sự cố hy hữu xảy ra vào ngày 31/7. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III, không mang đầu đạn, được phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg ở California. Tuy nhiên, vài phút sau khi tên lửa được phóng đi, quỹ đạo của nó đột nhiên xuất hiện dấu hiệu bất thường.


Ngày 2/8, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch "đóng băng" các tiêu chuẩn khí thải được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đe dọa mở ra cuộc chiến với một số bang nước Mỹ muốn thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn. Theo đề xuất do Cơ quan Bảo vệ môi trường và Cơ quan An toàn giao thông cao tốc quốc gia công bố, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt dưới thời chính quyền Obama đã "không còn thích hợp và hợp lý" sau năm 2020. Hai cơ quan trên sẽ thu thập ý kiến công chúng và tiến hành các phiên điều trần trước khi thực hiện các thay đổi. Các quy định mới sẽ áp dụng trong giai đoạn 2021-2026.


Tại khu vực Bắc Phi-Trung Đông, ngày 2/8, Iran đã bắt đầu một cuộc tập trận quy mô lớn tại Eo biển Hormuz với sự tham gia của hơn 50 tàu chiến.  Cuộc tập trận này kéo dài trong vài giờ đồng hồ, hướng đến chiến thuật tấn công với số đông, có khả năng phong tỏa tuyến đường thủy sống còn qua eo Hormuz nếu được triển khai trên thực tế. Hoạt động quân sự này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đại tá hải quân Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ cho biết, Washington nhận thức được sự gia tăng các hoạt động hải quân của Iran tại vùng Vịnh Arab, Eo biển Hormuz và Vịnh Oman.


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với vũ lực từ “liên minh quốc tế” nói chung và Israel nói riêng nếu như nước này ngăn chặn các tuyến đường hàng hải chính ngoài khơi Yemen. Những tuyên bố gay gắt của Thủ tướng Israel phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp cho các sĩ quan hải quân ngày 1/8 đề cập đến cuộc tấn công gần đây một tàu chở dầu của Saudi Arabia ngoài khơi bờ biển phía tây của Yemen của phiến quân Houthi. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã nhiều lần tố cáo Iran hậu thuẫn và trang bị vũ khí cho phiến quân Houthi, nhưng cả nhóm này và Tehran đều phủ nhận.


Cuộc tập trận chung giữa các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Gruzia mang tên Noble Partner 2018 (Đối tác xứng tầm 2018) đã bắt đầu diễn ra tại căn cứ quân sự Vaziani ở Gruzia hôm 1/8. Các cuộc diễn tập có sự tham gia hơn 3000 quân nhân từ 13 nước thành viên và các đối tác của NATO. Cuộc tập trận nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực này diễn ra đến hết ngày 15/8.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG