Văn phòng báo chí Điện Kremlin tối 28/11 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này diễn ra sau khi ngày 24/11 vừa qua tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Sắc lệnh áp đặt các lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ theo danh sách do Chính phủ Liên bang Nga quy định.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 28/11 đã bày tỏ "nỗi buồn" với vụ nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, đồng thời ước muốn điều này chưa bao giờ xảy ra. "Tôi thật sự lấy làm buồn về sự cố trên. Tôi ước nó chưa bao giờ xảy ra. Tôi hy vọng mọi thứ tương tự sẽ không lặp lại," ông Erdogan nói. "Chúng tôi hy vọng rằng tình thế giữa chúng tôi và Nga sẽ không tiếp tục leo thang căng thẳng, làm xói mòn và gây ra những hậu quả thảm khốc trong tương lai," ông Erdogan nói với những người ủng hộ mình tại tỉnh miền tây Balikesir.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/11 đã kêu gọi cần thắt chặt việc kiểm soát vũ khí trong nước, một ngày sau khi xảy ra vụ xả súng tại bang miền Tây Colorado khiến 3 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Tổng thống Obama tuyên bố: “Chúng ta cần làm gì đó khi những người không có phận sự có thể dễ dàng tiếp cận các loại vũ khí tấn công trên đường phố nước Mỹ. Thế là quá đủ. Đây không phải là một việc bình thường và chúng ta không thể để nó trở nên bình thường.”
Quân đội Syria ngày 28/11 đã tái chiếm được vùng lãnh thổ phía Đông thành phố Aleppo từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có cả một số km tuyến đường cao tốc nối Aleppo với thủ phủ Raqqa của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các khu vực mà quân đội giành lại được nằm ở phía Đông của Kweires, căn cứ không quân mà quân Chính phủ Syria đã giành lại từ tay IS hôm 10/11. Cuộc tấn công tái chiếm nói trên được quân đội Syria tiến hành với sự yểm trợ của không quân Nga, các lực lượng Iran và phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah.
Ngày 27/11, Bộ Nội vụ Maroc cho biết cảnh sát nước này vừa bắt giữ 3 người bị tình nghi xâm nhập vào các thiết bị viễn thông, trong đó có hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuyên bố của Bộ Nội vụ Maroc nêu rõ: “Hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại để xâm nhập vào hệ thống điện thoại của một tổng đài Maroc. Quá trình điều tra cho thấy hai đối tượng Thổ Nhĩ Kỳ này là những người ủng hộ tổ chức IS.
Chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Ai Cập, tối 28/11 đã tuyên bố nhận trách nhiệm trong việc thực hiện vụ xả súng sát hại 4 cảnh sát ở tỉnh Giza, một trong hai tỉnh hợp thành của thủ đô Cairo. Trước đó, nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, hai tay súng bịt mặt đi trên một chiếc xe gắn máy đã xả súng vào một xe cảnh sát tại một vị trí gần khu Kim Tự Tháp Giza, khiến 4 cảnh sát thiệt mạng và một số người khác bị thương. Các nghi phạm đã tẩu thoát khỏi hiện trường vụ tấn công ngay sau đó.
Ngày 28/11, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết Tổng thống nước này Benigno Aquino đã thông qua kế hoạch mua sắm trang thiết bị quân sự trị giá 44 tỷ peso (tương đương 932,74 triệu USD) nhằm tăng cường năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Thông tin trên được Thứ trưởng Manalo đưa ra sau khi Philippines nhận 2 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 đầu tiên trong số 12 chiếc do Hàn Quốc sản xuất nhằm nâng cao năng lực phòng không của Manila.
Pháp cấm biểu tình, khuyến cáo người dân không đi xe riêng, huy động 120.000 nhân viên an ninh bảo vệ cho Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris từ ngày 30/11. “Không, không, không! COP21 sẽ diễn ra”, đó là câu trả lời của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khi được hỏi rằng liệu Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu có bị thay đổi hoặc hoãn lại sau vụ khủng bố liên hoàn tại Paris ngày 13/11 hay không.