Phát biểu trước Hạ viện Nga hôm 14/10, ông Lavrov nói rằng nước này đã đề xuất Mỹ gửi một phái đoàn chuyên gia quân sự đến Nga và sau đó Moscow sẽ cử phái đoàn cấp cao đến Washington. “Hôm nay, chúng ta nhận được tin báo rằng Mỹ không thể gửi phái đoàn đến Moscow và cũng không tiếp đón đoàn của chúng ta tại Washington” – Ngoại trưởng Nga cho hay. Đề xuất trên do Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra trong chuyến thăm New York hồi cuối tháng 9.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/10 khẳng định vụ máy bay chiến đấu nước này tiến gần sát một máy bay của không quân Mỹ trên bầu trời Syria hôm 10/10 vừa qua là để nhận dạng chứ "không phải để uy hiếp". Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay Su-30SM của Nga cách máy bay Mỹ trong phạm vi 2-3km. Hôm 13/10, Washington cho biết máy bay của Nga và Mỹ bay cách nhau trong phạm vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong bối cảnh hai cựu thù Chiến tranh Lạnh đang tiến hành các chiến dịch không kích ở Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 14/10 đã phản đối việc Mỹ và Nga hỗ trợ về quân sự và chính trị cho lực lượng người Kurd tại Syria trong cuộc chiến chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cảnh báo sự hỗ trợ này là "không thể chấp nhận được". Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại diện ngoại giao của hai nước trên để bày tỏ quan điểm của Ankara trong vấn đề này, đồng thời đưa ra những cảnh báo tương tự.
Các lực lượng an ninh Iraq đã giành lại quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này từ tay các phần tử IS tự xưng gần thị trấn Baiji, tỉnh Salahudin, miền Bắc nước này. Theo một nguồn tin an ninh địa phương giấu tên, sau một ngày giao tranh, quân đội Iraq và các đơn vị bán vũ trang đồng minh người Shiite và Sunni, đã đánh bật phiến quân IS khỏi mỏ dầu trên, cách thủ đô Baghdad 200km về phía Bắc.
Hai chỉ huy cấp cao của Iran, trong đó có 1 vị tướng, đã thiệt mạng khi sát cánh với lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad trong giao tranh với các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Hai chỉ huy Iran thiệt mạng gồm Chuẩn tướng Farshad Hasounizadeh và Hamid Mukhtarband, đều thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bị sát hại hôm 12/10. Mukhtarband từng là chỉ huy lữ đoàn ở thành phố Ahvaz, miền Nam Iran.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/10 thông báo với Quốc hội ý định triển khai 300 binh sĩ đến Cameroon để tiến hành một chiến dịch tình báo. Trong một lá thư do Nhà Trắng công bố, Tổng thống Obama cho biết, đã triển khai 90 binh sĩ Mỹ được vũ trang để tự vệ. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, động thái được đưa ra sau lời đề nghị của Chính phủ Cameroon và đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn sự lan rộng của phiến quân Boko Haram cũng như các tổ chức bạo lực cực đoan khác ở Tây Phi.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết một số nghi can trong vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Ankara tuần trước đã từng ở Syria nhiều tháng và có thể liên quan tới nhóm IS hoặc đảng Công nhân người Kurd (PKK). Cũng theo ông Davutoglu, Thổ Nhĩ Kỳ đang rà soát xem liệu các cơ quan an ninh và tình báo nước này có sơ suất gì không trước khi xảy ra vụ đánh bom kép ở Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ nhận được thông tin tình báo cho rằng trong số các phần tử thuộc PKK và Mặt trận giải phóng nhân dân cách mạng, một số đã được huấn luyện để trở thành thành những kẻ đánh bom liều chết ở miền Bắc Iraq và một số được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội đồng Vệ binh Iran đã thông qua một dự luật cho phép thực thi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran vừa đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Sự chấp thuận của Hội đồng Vệ binh Iran đồng nghĩa dự luật đã được phê chuẩn thành luật. Trước đó một ngày, dự luật mang tên "Kế hoạch hành động toàn diện chung" trên đã được Quốc hội Iran thông qua với 161 phiếu thuận và 59 phiếu chống.
Ngày 14/10, Iran lần đầu tiên phát sóng thước phim về hệ thống tên lửa ngầm cùng các bệ phóng. Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Tehran tuyên bố phóng thử thành công tên lửa tầm xa. Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy đơn vị hàng không vũ trụ của IRGC, tuyên bố: “Các bãi thử tên lửa tầm xa của Cộng hòa Hồi giáo nằm sâu dưới lòng đất 500 mét, ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước và đã sẵn sàng khởi động". Theo ông, Iran không còn lo ngại bất cứ thế hệ vệ tinh tiên tiến nhất và hệ thống do thám nào của đối phương do các bãi thử tên lửa ẩn sâu trong lòng núi.
Bệnh viện Tự do Hoàng gia London cho biết, bệnh nhân Pauline Cafferkey, y tá nhiễm virus Ebola năm ngoái, bỗng rơi trở lại tình trạng nguy kịch. Cô Cafferkey được điều trị Ebola sau khi trở về từ Sierra Leone năm ngoái. Y tá này được ra khỏi khu vực cách ly nghiêm ngặt của bệnh viện hồi tháng 1 vừa qua nhưng có biểu hiện tái phát bệnh hồi tuần trước và đã được máy bay quân đội đưa đến điều trị khẩn cấp tại London.