THẾ GIỚI 24H: Mỹ trừng phạt loạt tổ chức phát triển siêu máy tính của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters
Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters
TPO - Hôm 8/4, Bộ Thương mại Mỹ liệt thêm 7 tổ chức về phát triển siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc hỗ trợ các hoạt động quân sự.

Lệnh trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức song không áp dụng với hàng hóa từ các nhà cung cấp của Mỹ đang trên đường vận chuyển đến các công ty Trung Quốc. Reuters đưa tin, danh sách tổ chức về phát triển siêu máy tính của Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen gồm: Hãng công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân, Trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải, Công ty Vi điện tử Sunway, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích và Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu. Các tổ chức này bị liệt vào danh sách đen với cáo buộc “tham gia vào việc chế tạo siêu máy tính phục vụ cho các lực lượng quân sự của Trung Quốc, các nỗ lực hiện đại hóa quân sự hoặc các chương trình vũ khí phá hủy hàng loạt”.

Ngày 8/4, một vụ xả súng đã xảy ra tại một công ty sản xuất tủ đặt hàng ở trung tâm thị trấn Bryan ở bang Texas (Mỹ), khiến 1 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương nặng. Cảnh sát trưởng hạt Grimes, ông Don Sowell cho biết nghi phạm gây ra vụ việc đã bị bắt giữ. Cảnh sát trưởng thị trấn Bryan, ông Eric Buske cho biết nghi phạm đã trốn thoát khi cảnh sát có mặt tại hiện trường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland ngày 8/4 đã công bố các biện pháp có giới hạn để giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ. Các biện pháp nói trên là một phần trong những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn. Nhà Trắng mô tả biện pháp này là bước đi đầu tiên nhằm hạn chế số lượng các vụ xả súng, tự sát và gây đổ máu trong cộng đồng. Tổng thống Biden cho biết ông cũng sẽ yêu cầu Cục Rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) công bố báo cáo thường niên về việc buôn bán súng ở Mỹ và hỗ trợ các bang thông qua “luật cờ đỏ” để kiểm soát lý lịch người mua súng.

Người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar ngày 8/4 đã chống trả lực lượng an ninh bằng súng tự chế. Cuộc đối đầu khiến ít nhất 11 người biểu tình thiệt mạng. Theo Reuters, sáu xe tải của quân đội Myanmar đã triển khai đến giải tán đám đông biểu tình ở thị trấn Taze. Nhưng khi người biểu tình chống trả bằng súng - bom tự chế và dao, quân đội đã điều động thêm năm xe tải khác. Ít nhất 11 người biểu tình đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ. Hiện chưa có thông tin về thương vong của lực lượng an ninh.

Ít nhất 68 phần tử khủng bố Taliban đã bị tiêu diệt và 74 tên khác bị thương trong các chiến dịch phản công của Chính phủ Afghanistan trong ngày 7/4.Các động thái quân sự của chính quyền Kabul được tiến hành trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên vẫn đang diễn ra. Theo Bộ Quốc phòng Afghanistan, các chiến dịch tiêu diệt khủng bố được tiến hành tại những tỉnh Herat, Faryab, Farah, Badakhshan, Kunduz và Kandahar. Ngoài ra, hơn 200 thiết bị nổ tự tạo (IEDs) do các tay súng của lực lượng Taliban cài đặt ven đường đã bị phát hiện và vô hiệu hóa.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 8/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 133.910.877 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.904.815 ca tử vong. 107.948.471 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 23.056.591 bệnh nhân đang được điều trị. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 572.891 ca tử vong trong tổng số 31.641.289 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 341.097 ca tử vong trong số 13.197.031 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 166.948 ca tử vong trong số 12.942.335 bệnh nhân.

Ngày 8/4, tại khắp các địa phương ở Israel đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa diệt chủng Do Thái, trong ngày lễ quốc gia có tên gọi Yom HaShoah. Yom HaShoah là ngày lễ được tổ chức vào ngày 27 tháng Nisan theo lịch Do Thái, nhằm tưởng niệm khoảng 6 triệu người Do Thái trên khắp thế giới đã thiệt mạng trong các vụ thảm sát Holocaust. Để tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng, hầu hết các cơ quan, tổ chức, trường học, doanh trại quân đội… tại Israel đều tổ chức lễ tưởng niệm riêng. Một số cơ quan tổ chức cho nhân viên nghỉ việc trong ngày này. Các địa điểm công cộng đều treo cờ rủ. Các chương trình giải trí cũng được tạm ngừng.

Hàn Quốc và Mỹ ngày 8/4, đã chính thức ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng trong khi Seoul đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phê chuẩn trong nước để giúp bảo đảm việc đóng quân ổn định của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) này có hiệu lực đến năm 2025. Theo đó, Seoul sẽ chi trả 1.183.000 tỷ won (1,05 tỷ USD) trong năm nay, tăng so với con số 1.038.000 tỷ won năm 2019, để duy trì lực lượng Mỹ gồm 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, chính quyền Seoul sẽ trình thỏa thuận lên Quốc hội Hàn Quốc để thông qua trong thời gian sớm nhất.

Các nhà điều tra Hà Lan đã ngăn chặn được vụ tấn công nhằm vào một trung tâm tiêm chủng phòng dịch COVID-19. Cơ quan công tố Hà Lan ngày 8/4 xác nhận đã bắt giữ một người đàn ông 37 tuổi, bị nghi âm mưu thực hiện vụ tấn công nhằm vào một trung tâm tiêm chủng ở thị trấn Den Helder thuộc tỉnh Noord-Holland của Hà Lan. Các nhà điều tra cho biết đối tượng này bị cáo buộc lên kế hoạch kích hoạt một thiết bị nổ nhằm phá hủy trung tâm tiêm chủng nêu trên.

MỚI - NÓNG