THẾ GIỚI 24H: Mỹ luôn sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (25/5) lại tiếp tục gây bất ngờ khi thông báo, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 tới như kế hoạch ban đầu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 25/5 khẳng định, Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho dù hội nghị thượng đỉnh song phương này diễn ra vào thời điểm nào. Bà Sanders cho biết: "Chúng tôi sẽ luôn chuẩn bị và nếu cuộc họp diễn ra vào ngày 12/6, chúng tôi sẽ sẵn sàng. Nếu cuộc gặp diễn ra vào ngày 12/7, chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng. Và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để chuẩn bị cho điều đó." Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có khả năng diễn ra vào ngày 12/6 tới theo như kế hoạch ban đầu, mặc dù hôm 24/5 ông Trump đã gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh này.


Bộ trưởng Giao thông New Zealand, ông Phil Twyford đã lên tiếng xin lỗi và đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Jacinda Ardern sau khi gọi điện thoại trên máy bay.  Ông Twyford đã thực hiện cuộc gọi trên sau khi cửa máy bay đã đóng chuẩn bị cất cánh. “Đây là điều không ai nên làm, đặc biệt là tôi, với tư cách Bộ trưởng Giao thông. Tôi thực lòng xin lỗi”, ông Twyford nói sau khi thừa nhận vi phạm quy định an toàn hàng không. Thủ tướng Ardern đã từ chối đề nghị từ chức của ông Phil Twyford, nhưng nói rằng, với vi phạm này, ông Twyford không còn đủ tư cách để tiếp tục quản lý Cục Quản lý hàng không dân dụng New Zealand.


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/5 khẳng định tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi năm 2014 không thuộc quân đội Nga, bác bỏ kết luận điều tra của Hà Lan và Australia cho rằng Moskva đứng đằng sau thảm họa này. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 đang diễn ra, khi được hỏi về việc liệu tên lửa bắn hạ máy bay MH17 có phải thuộc Nga hay không, Tổng thống Putin trả lời rằng: "Dĩ nhiên là không". Ông Putin cũng cho rằng Nga không thể tin hoàn toàn vào kết luận của Hà Lan về vụ việc do Moskva không tham gia vào tiến trình điều tra.


Ngày 25/5, tòa án Manhattan, thành phố New York (Mỹ) đã đưa ra mức bảo lãnh lên tới 1 triệu USD tiền mặt cho trường hợp nhà sản xuất điện ảnh Harvey Weinstein sau khi nhân vật này phải ra tòa liên quan tới các cáo buộc quấy rối, tấn công tình dục và cưỡng hiếp phụ nữ. Ngoài ra, ông Weinstein sẽ phải đeo thiết bị giám sát trong thời gian tại ngoại. Theo lệnh của tòa án, ông Weinstein sẽ không được phép ra khỏi phạm vi thành phố New York và bang Connecticut lân cận. Nhà sản xuất này cũng đã đồng ý giao nộp lại hộ chiếu. Trước đó, cùng ngày, cảnh sát thành phố New York thông báo đã bắt giữ nhà sản xuất điện ảnh Harvey Weinstein về các cáo buộc quấy rối, tấn công tình dục và cưỡng hiếp 2 phụ nữ.


Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dành lời khen cho những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc ngăn chặn cái mà ông gọi là “can thiệp bầu cử Mỹ”. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Các Vấn đề quốc tế Hạ viện ngày 24/5, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đã làm nhiều hơn chính quyền trước đó khi ông Barack Obama còn đương nhiệm trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Theo tân Ngoại trưởng, Washington “cực kỳ tự hào” về những biện pháp đối phó với “sự khiêu khích từ phía Nga”. Phát ngôn của Ngoại trưởng Pompeo đồng nhất với tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump, khi ông tự nhận “không một ai cứng rắn với Nga” hơn ông.


Không quân Iraq tiếp tục thực hiện chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhằm vào các vị trí của tổ chức khủng bố này bên trong lãnh thổ Syria. Theo Bộ Quốc phòng Iraq, không quân nước này đã oanh tạc dữ dội sở chỉ huy và kho vũ khí của IS bên trong thành trì của chúng ở Hajjin, phía đông Deir Ezzor, Syria. Bộ Quốc phòng Iraq cho biết thêm, các cuộc không kích do chiến đấu cơ F-16 thực hiện.Trong khi đó, trên thực địa, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn đã tiến đến vùng ngoại ô Hajjin. Đây là nơi mà theo Cơ quan giám sát nhân quyền Syria, ít nhất 50 chỉ huy IS đang ẩn náu.


Trường trung học Noblesville West hiện đã được phong tỏa sau vụ bạo lực liên quan tới súng đạn này. Ít nhất một nghi phạm đã bị bắt giữ sau vụ xả súng xảy ra tối 25/5 theo giờ Việt Nam) tại một trường trung học cơ sở ở Noblesville, bang Indiana của Mỹ. Vụ tấn công bằng súng mới nhất này đã khiến ít nhất 2 người bị thương nặng. Các nạn nhân đều đã nhanh chóng được đưa tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Vụ xả súng xảy ra chỉ 1 tuần sau khi đã có ít nhất 10 người thiệt mạng, 10 người khác bị thương trong vụ xả súng tại một trường học ở Santa Fe, bang Texas, Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã phải thừa nhận rằng, bạo lực súng đạn là vấn đề tồn tại từ lâu trong xã hội Mỹ. Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng.


Ngày 25/5, Quyền Trưởng phái bộ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Adam Shub đã kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn việc thực hiện dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và thay vào đó ủng hộ việc dẫn khí đốt của Nga thông qua Ukraine. Trong một cuộc họp báo về vấn đề năng lượng tại Brussels, ông Adam Shub nói Mỹ ủng hộ Ukraine, Ba Lan và các quốc gia thành viên EU khác vốn coi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU tham gia vào tập hợp các nước hai bờ Đại Tây Dương phản đối Nord Stream 2 và ủng hộ phương án khí đốt được quá cảnh Ukraine trong tương lai.


Syria có thể cần nhiều hơn 400 tỷ USD cho nỗ lực tái thiết và dự kiến sẽ huy động khoản kinh phí này với sự trợ giúp của các nguồn lực nội bộ và viện trợ nước ngoài, trong đó có Nga, Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại thương Syria, ông Samer Khalil cho biết. "Để tái thiết Syria, các nguồn viện trợ nội địa và nước ngoài đều cần thiết. Khoản tiền 400 tỷ USD chưa phải là con số cuối cùng", vị Bộ trưởng cho biết. Theo ông Khalil, một số kinh phí sẽ được cung cấp bởi chính phủ và các doanh nghiệp Syria, trong khi phần còn lại sẽ đến từ viện trợ nước ngoài, chủ yếu là từ Nga. "Đối với hỗ trợ kỹ thuật, các công ty của chúng tôi đã có đủ kinh nghiệm, nhưng chúng tôi cũng hy vọng nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ của các quốc gia thân thiện và Nga đứng đầu danh sách này", Bộ trưởng Khalil nói.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG