THẾ GIỚI 24H: Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới

Tổng thống Mỹ Donal Trump
Tổng thống Mỹ Donal Trump
TPO - Thượng nghị sỹ Menendez cho rằng cách đối phó với dịch COVID-19 của chính quyền Trump là hỗn loạn và nhảm nhí và việc rút khỏi WhO chỉ khiến nước Mỹ bị cô lập.

Ngày 7/7, Thượng nghị sỹ Mỹ Robert Menendez cho biết nước này đã chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, cắt đứt quan hệ với cơ quan y tế hàng đầu thế giới giữa lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ông Menendez, nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, xác nhận chính quyền Trump đã thông báo với Quốc hội về quyết định trên. Mỹ đã gửi quyết định rút khỏi WHO lên Tổng thư ký Liên hợp quốc và có hiệu lực từ ngày 6/7. Trên mạng Twitter, ông Menendez viết: "Gọi cách đối phó với dịch COVID-19 của chính quyền Trump là hỗn loạn và nhảm nhí thì vẫn chưa đủ. Quyết định này sẽ không thể bảo vệ mạng sống hay lợi ích của người dân Mỹ. Nó sẽ khiến người dân Mỹ bị ốm đau và nước Mỹ bị cô lập."


Ngày 7/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro xác nhận, ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Đây là lần thứ tư ông Bolsonaro làm xét nghiệm COVID-19 sau khi có những triệu chứng mắc bệnh như sốt cao. Trước đó, Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp nguy cơ của dịch COVID-19, đồng thời hối thúc chính quyền các địa phương nới lỏng lệnh phong tỏa mà ông cho là đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Brazil.

Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia xác nhận vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển đã vượt qua được 8 giai đoạn thử nghiệm và sẽ trải qua 7 cuộc kiểm tra khác. Vaccine này do Viện Phân tử sinh học Eijkman, công ty PT Bio Farma, PT Kalbe Farma của Indonesia và một doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác sản xuất. Theo một quan chức thuộc lực lượng đặc trách chống COVID-19, quá trình phát triển vaccine sẽ mất nhiều thời gian. Nếu các cuộc thử nghiệm sắp tới đều diễn ra suôn sẻ, việc sản xuất vaccine với quy mô lớn nhiều khả năng sẽ được hoàn tất vào giữa năm tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố trừng phạt một số quan chức Trung Quốc theo Đạo luật tiếp cận tương hỗ Tây Tạng. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc đã liên tục cản trở có hệ thống việc đi lại tới khu tự trị Tây Tạng và các khu vực khác ở Tây Tạng. Các nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch Mỹ khó khăn trong việc đi lại trong khi các quan chức Trung Quốc và người dân nước này tiếp cận dễ dàng hơn nhiều.

Australia đưa ra cảnh báo mới về việc Trung Quốc giam giữ người nước ngoài và cho hay, người dân nước này có nguy cơ bị giam giữ tại Trung Quốc. Trong thông báo đưa ra ngày hôm nay (7/7), Bộ Ngoại giao Australia cho biết: “Trung Quốc không cho phép hầu hết mọi người nước ngoài vào nước này vì dịch COVID-19. Các chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Australia đã giảm đáng kể".“Nếu bất chấp lời khuyên” của Bộ ngoại giao Australia để đến Trung Quốc, công dân nước này cũng như công dân các nước khác sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày.

Ngày 7/7, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của Nga đã bắt giữ Ivan Safronov, cố vấn hàng đầu của Tập đoàn Hàng không vũ trụ nhà nước Roscosmos, để điều tra về tội phản quốc. Ông Safronov từng là một nhà báo chuyên viết về các vấn đề quân sự và là cố vấn của Tổng giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin. Truyền thông Nga dẫn lời FSB cho biết, ông Safronov đã làm việc cho cơ quan tình báo của một quốc gia NATO giấu tên. Ông Safronov bị cáo buộc tiết lộ nhiều thông tin bí mật quân sự cho nước ngoài, liên quan đến "quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự, quốc phòng và an ninh của Liên bang Nga".

Một loạt tòa án ở các thành phố ở Đức ngày 7/7 đã phải sơ tán sau khi nhận được đe dọa gài bom, tuy nhiên, đến thời điểm này, cảnh sát vẫn chưa phát hiện được gì cụ thể. Cảnh sát cho biết các tòa nhà phải sơ tán gồm trụ sở tòa án ở Mainz, Erfurt, Luebeck và Wolfsburg cũng như văn phòng công tố tại Erfurt. Trước đó, đe dọa gài bom được gửi đến tòa án thành phố Mainz. Trụ sở tòa án này đã được lục soát, trong đó có sự tham gia của chó nghiệp vụ và một số tòa nhà bên cạnh cũng đã được sơ tán khẩn cấp. Vẫn chưa rõ tổ chức hay cá nhân nào đứng đằng sau những lời đe dọa này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cơ quan này đang giám sát một ca bệnh dịch hạch tại Trung Quốc sau khi nhận được thông tin từ giới chức tại thủ đô Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 7/7, người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris khẳng định sự tồn tại của bệnh dịch hạch qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Bà nhấn mạnh WHO đang giám sát và kiểm soát tốt tình hình. Theo bà Harris, ở thời điểm hiện tại, WHO không đánh giá bệnh dịch hạch có nguy cơ cao, song khẳng định cơ quan này đang theo dõi sát sao tình hình, phối hợp chặt chẽ với giới chức Trung Quốc và Mông Cổ.

Ngày 7/7, Phó Tổng thống Ecuador Otto Sonnenholzner thông báo đã từ chức sau 18 tháng tại vị. Đây là Phó Tổng thống thứ 3 đệ đơn từ chức trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Lenin Moreno, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 năm 2021 tới đây. Trong thông điệp được phát trên truyền hình, ông Sonnenholzner, 37 tuổi, doanh nhân và là nhà kinh tế học, đã gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Moreno vì đã đem đến cho ông cơ hội để cống hiến cho đất nước, và thừa nhận quyết định từ chức không phải là điều dễ dàng.
MỚI - NÓNG