THẾ GIỚI 24H: Mỹ-Hàn bắt đầu tập trận chung, có thể 'chọc tức' Triều Tiên

Mỹ, Hàn sẽ bắt đầu tập trận chung vào ngày mai. Ảnh: Yonhap
Mỹ, Hàn sẽ bắt đầu tập trận chung vào ngày mai. Ảnh: Yonhap
TPO - Ngày 4/8, giới chức quân sự Hàn Quốc thông báo Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiến hành tập trận chung theo kế hoạch bất chấp cảnh báo từ Triều Tiên.

Cuộc tập trận chung bắt đầu vào ngày 5/8, trong đó có diễn tập Tham mưu sở chỉ huy (CPX) giả định trên máy tính để đối phó với mọi tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận chung lần này sẽ kéo dài 2 tuần. Nhiều nhà quan sát nhận định cuộc tập trận chung lần này có thể khiến Triều Tiên tiến hành thêm hành động khiêu khích. 


Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ tàu nước ngoài cùng 6 thủy thủ với cáo buộc buôn lậu dầu cho các nước vùng Vịnh. Đây là chiếc thứ ba bị bắt trong vòng 1 tháng qua. Hãng thông tấn IRNA đưa tin IRGC bắt giữ chiếc tàu chở khoảng 700.000 lít dầu "buôn lậu" tại khu vực gần đảo Farsi ở vùng Vịnh trong chiến dịch tối 31/7. Ông Zirahi khẳng định việc bắt giữ tuân thủ đúng luật pháp Iran và tàu dầu đã được lai dắt đến cảng Bushehr.


Hãng thông tấn Iraq (INA) dẫn tuyên bố của Bộ Dầu mỏ nước này ngày 4/8 khẳng định không có bất cứ mối quan hệ nào với chiếc tàu chở dầu bị Iran bắt giữ tại vùng Vịnh vì hành vi buôn lậu xăng dầu. Cơ quan trên nhấn mạnh: “Bộ (Dầu mỏ) không xuất khẩu dầu diesel ra thị trường quốc tế”. Trước đó, Hãng thông tấn chính thức Iran IRNA ngày 4/8 đưa tin, chiếc tàu chở dầu vừa bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tại vùng Vịnh vì hành vi buôn lậu xăng dầu là tàu của Iraq.


Cảnh sát mật vụ Nigeria ngày 4/8 đã xác nhận vụ bắt giữ ông Omoyele Sowore, cựu ứng cử viên đối lập của đảng Đại hội Hành động châu Phi (AAC) trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Hai vừa qua. Cơ quan an ninh thuộc Cảnh sát mật vụ Nigeria cho biết, ông Sowore bị bắt bắt giữ vào sáng 3/8 vì hành vi "kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng ở Nigeria." Truyền thông địa phương đưa tin, ông Sowore được cho là đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc "cách mạng" tại Nigeria từ hôm 29/7.


Trước hàng loạt vụ đánh bom nhỏ xảy ra ở các trung tâm mua sắm, du lịch, kinh tế, các tòa cao ốc ở thủ đô Bangkok vào ngày 3/8, giới bóng đá Thái Lan dấy lên nỗi lo trận mở màn vòng loại World Cup 2022 Thái Lan - Việt Nam ngày 5/9. Việc đánh bom hàng loạt và gần như xảy ra cùng lúc tại Bangkok ngày 3/8 được giới chức trách Thái Lan đánh giá là có ý đồ bởi Bangkok đang diễn ra cuộc gặp cấp cao các ngoại trưởng ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nhật… Sự kiện đang thu hút dư luận và truyền thông quốc tế.


Ngày 4/8, quân đội Ấn Độ thông báo đã phá một âm mưu xâm nhập qua Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Thông báo nêu rõ quân đội đã tiêu diệt 5-7 đối tượng xâm nhập tại khu vực Keran thuộc huyện Kupwara, cách Srinagar - thủ phủ mùa Hè của khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Ấn Độ - khoảng 130km về phía Tây Bắc. Trong khi đó, Pakistan bác bỏ thông tin trên, đồng thời cáo buộc quân đội Ấn Độ ngày 3/8 sử dụng bom chùm ở LOC nhằm vào thường dân, làm 2 người thiệt mạng và 11 người bị thương nặng. Chính quyền New Delhi kịch liệt bác bỏ cáo buộc này của Pakistan.


Ông Neth Pheaktra, người phát ngôn của tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia (ECCC), xác nhận Nuon Chea đã qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer – Liên Xô tối 4/8 nhưng không nêu nguyên nhân. Ông Pheaktra cho hay Nuon Chea được chuyển đến bệnh viện điều trị từ hôm 2/7 và gia đình ông đã được thông báo về cái chết của ông. Ông Nuon Chea từng được xem là cánh tay phải của Pol Pot, người đứng đầu của chế độ diệt chủng này.


Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 4/8 khuyến cáo các công dân nước này khi đi du lịch Hàn Quốc cần cảnh giác trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình chống Nhật tại quốc gia láng giềng này. Theo đó, Bộ trên khuyến cáo công dân Nhật Bản tránh xa các địa điểm có biểu tình tại Hàn Quốc. Khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, liên quan đến tranh cãi thương mại bắt nguồn từ vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên.


Liên hợp quốc (LHQ) và phiến quân Houthi ở Yemen ngày 4/8 công bố một thỏa thuận nhằm nối lại việc chuyển lương thực viện trợ, vốn đã bị đình chỉ trong 6 tuần qua, tới các khu vực hiện do Houthi kiểm soát. Theo thông báo, thỏa thuận đã được ký ngày 3/8 tại thủ đô Sanaa do Houthi kiểm soát. Người phát ngôn Chương trình Lương thực LHQ (WFP), ông Herve Verhoosel nêu rõ WFP "đã ký một thỏa thuận cấp cao, một bước quan trọng tiến tới đảm bảo trách nhiệm tiến hành các hoạt động nhân đạo ở Yemen".

MỚI - NÓNG