THẾ GIỚI 24H: Mỹ có thể sẽ ‘bắt tay’ với Taliban không kích chống khủng bố ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Ảnh: Reuters
TPO - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ ngày 1/9 cho biết, Mỹ có thể sẽ phối hợp với Taliban trong các cuộc không kích chống khủng bố ở Afghanistan.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết, các cuộc không kích với sự phối hợp của Taliban có thể nhắm tới các thành viên của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc các tổ chức khác ở Afghanistan. Tuy nhiên, Tướng Milley không nêu cụ thể kế hoạch phối hợp giữa Mỹ và Taliban như thế nào. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố, sẽ tiếp tục truy lùng các phần tử IS nhằm đáp trả vụ đánh bom tự sát tuần trước ở sân bay Kabul khiến 13 binh sỹ Mỹ thiệt mạng. Các chỉ huy quân sự Mỹ từng phối hợp hàng ngày với lãnh đạo Taliban ngoài sân bay Kabul trong vòng 3 tuần qua nhằm tạo điều kiện cho việc sơ tán hơn 124.000 người. Tuy nhiên, theo tướng Milley, thỏa thuận hợp tác với Taliban ở sân bay Kabul không nhất thiết sẽ là mô hình trong tương lai.


Ngày 1/9. Taliban đã tổ chức diễu hành ở gần Kandahar, Afghanistan, với nhiều khí tài thu được từ Mỹ. Các bức ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội Twitter cho thấy, một hàng xe chống mìn, vốn được lính Mỹ và đồng minh sử dụng trong nhiều năm qua, chở theo các tay súng Taliban diễu hành qua đường cao tốc bên ngoài thành phố Kandahar, Afghanistan. Thậm chí, một chiếc trực thăng UH-60 Black Hawk do phi công Taliban lái đã bay qua đoàn diễu hành.


Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết cuộc tập trận quân sự lần đầu tiên giữa Hải quân Israel và Hạm đội 5 Hải quân Mỹ đã diễn ra ngày 1/9 tại Biển Đỏ. Đây là cuộc tập trận đầu tiên, mở màn cho các cuộc tập trận sẽ diễn ra thường xuyên hơn giữa lực lượng hải quân hai quốc gia đồng minh thân cận, sau khi các hoạt động của IDF được chuyển dần từ Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) về Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) đầu năm nay. Hạm đội 5 Hải quân Mỹ trực thuộc CENTCOM và hiện đồn trú tại Bahrain, phụ trách các vùng biển ở Trung Đông.


Theo hãng tin Reuters, một nhóm đam mê máy bay không người lái ở Indonesia đang sử dụng các kỹ năng trên không để hỗ trợ việc cung cấp thuốc men và thực phẩm cho các bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà. Được trang bị 5 máy bay không người lái, nhóm 7 thành viên "Makassar Recover Drone Medic" đã làm việc suốt ngày đêm ở Makassar, thủ phủ của tỉnh Sulawesi, miền Nam Indonesia kể từ đầu tháng Bảy vừa qua để cung cấp dịch vụ trên.


Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến, hôm qua (1/9), Thủ tướng Đông Timor Taur Matan Ruak cũng được xác nhận có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng Đông Timor, ông Fidelis Manuel Leite Magalhães cho biết, Thủ tướng Đông Timor hiện đang tự cách ly tại nhà. Theo thông tin của Hội đồng Bộ trưởng Đông Timor, Thủ tướng Taur Matan Ruak đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 và tình trạng đang ngày một tốt hơn.


Ngày 1/9, người phát ngôn của Bộ Y tế Slovakia cho biết, nước này đã chính thức ngừng sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Theo báo cáo của cơ quan y tế, 6 người cuối cùng đã được tiêm mũi thứ 2 vaccine Sputnik V của Nga. Bà Zuzana Elyasova, phát ngôn viên của Bộ Y tế Slovakia cho biết, đã có khoảng 18.500 người được tiêm vaccine Sputnik V. Nước này đã mua 200.000 liều vaccine của Nga vào tháng 3 và trở thành quốc gia EU thứ hai sau Hungary sử dụng sản phẩm này cho công dân, mặc dù vaccine này vẫn chưa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu cấp phép. Việc mua bán vaccine đã chia rẽ nội bộ đảng phái chính trị và dẫn đến việc Thủ tướng Igor Matovic phải từ chức.


Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 219.192.794 ca, trong đó có 4.543.201 người tử vong. Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu.


Bắt đầu từ hôm qua (1/9), tất cả những du khác đến từ Mỹ, kể cả những người đã được tiêm vaccine đầy đủ, sẽ không được nhập cảnh vào Bulgaria, ngoại từ một số trường hợp đặc biệt và những người có quốc tịch Bulgaria hoặc EU. Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bulgaria tuyên bố sẽ đưa Mỹ vào sách “vùng đỏ” gồm các quốc gia được coi là có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất. Trước đó vài ngày, EU cũng đã loại 6 quốc gia trong đó có Mỹ khỏi danh sách du lịch an toàn của mình, sau khi Mỹ được báo cáo là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới trong 28 ngày qua, với hơn 38,8 triệu ca nhiễm và hơn 600.000 ca tử vong.


Lầu Năm Góc ngày 1/9 lên tiếng bác bỏ quy định an toàn hàng hải mới của Trung Quốc, nói quy định này đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại trên biển. “Mỹ giữ quan điểm rằng bất kỳ luật hoặc quy định nào của các quốc gia ven biển cần không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không của các nước theo luật pháp quốc tế”, ông John Supple, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trả lời câu hỏi về quy định an toàn hàng hải mới của Trung Quốc, theo South China Morning Post.


Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi công xây dựng tòa nhà quy mô lớn dành cho nhân viên Bộ Quốc phòng nước này. Công trình này được gọi là “Lầu Năm Góc Thổ Nhĩ Kỳ”. Tại lễ khởi công ngày 30/8 tại Ankara, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố công trình mới sẽ khiến kẻ địch của Thổ Nhĩ Kỳ sợ hãi. Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) đưa tin công trình này có tên Crescent Star với diện tích 12,6 triệu mét vuông, bao gồm khu vực trong nhà là 890.000 mét vuông. Dự kiến có 15.000 nhân sự sẽ làm việc tại đây. Công trình này còn nằm gần trụ sở của Tổ chức Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT). Trong khi đó, Lầu Năm Góc của Mỹ có diện tích 344.000 mét vuông và có thể đủ chỗ cho 25.000 nhân sự làm việc.

MỚI - NÓNG