THẾ GIỚI 24H: Mexico phát hiện nhiều thi thể tại các điểm bầu cử

0:00 / 0:00
0:00
Một điểm bỏ phiếu nơi các thi thể được phát hiện ở bang Baja California đã được phong tỏa. Ảnh: EPA
Một điểm bỏ phiếu nơi các thi thể được phát hiện ở bang Baja California đã được phong tỏa. Ảnh: EPA
TPO - Nhiều thi thể người đã được tìm thấy ở ít nhất 2 trong các điểm bỏ phiếu ở bang Baja California (Mexico) thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiễm kỳ tổng thống ở nước này vào cuối tuần trước.

Việc phát hiện những thi thể này tiếp tục làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ bạo lực và khủng bố tại các địa điểm bỏ phiếu trên khắp Mexico, quốc gia đang phải trải qua một trong những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống đẫm máu nhất trong những năm gần đây. Thông tin này được Bibi Méndez, Giám đốc bộ phận truyền thông Sở Tư pháp bang Baja California, cho biết hôm 6/6. Tính đến ngày 6/6, Reuters cho hay có 97 chính trị gia đã thiệt mạng trong các vụ ám sát do các băng đảng thực hiện ở Mexico chỉ vài tháng qua, trong khi hơn 900 người khác cũng bị tấn công nhưng may mắn sống sót.

Hàng trăm triệu liều vắc xin của Nga đã được xuất khẩu sang các nước hoặc sản xuất để cung cấp tại chỗ ở Trung Quốc, Ấn Độ. Dự kiến, trong năm 2021, Nga sẽ cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Sputnik V. Đây là loại vắc xin phòng Covid-19 được phê duyệt đầu tiên trên thế giới. Đến tháng 5, Sputnik V được cấp phép ở hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, rải rác ở nhiều châu lục. Một số quốc gia châu Âu đã chấp thuận sử dụng vắc xin này như Hungary, Slovakia.

Sedat Peker, một trùm tội phạm Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội sau khi tung ra các video nói xấu một loạt thành viên đảng cầm quyền. Hãng AP đưa tin, Peker, 49 tuổi, từng công khai ủng hộ đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã đưa ra một loạt “video kể hết” dài 90 phút từ căn cứ ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Những cáo buộc nhỏ giọt, chưa được chứng minh của Peker là một nỗ lực rõ ràng nhằm tính sổ với các nhân vật chính trị. Các video được đăng tải trên YouTube hàng tuần, đã thu hút hơn 75 triệu lượt xem và gây náo động, làm gia tăng lo ngại về tình trạng tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ và khiến các quan chức phải vào thế phòng thủ.

Phó Chủ tịch tập đoàn dầu khí Lukoil của Nga Leonid Fedun cho biết Iran có thể nhanh chóng tăng sản lượng dầu thô lên 6 triệu thùng/ngày nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg diễn ra mới đây, ông Leonid Fedun nói rằng nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể sẽ cung cấp ra thị trường tới 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian tới. Theo ông Fedun, Iran là một nhân tố quan trọng đối với Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và vấn đề sản lượng của Iran còn quan trọng hơn nhu cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tổng thống Vladimir Putin đã đặt bút ký vào đạo luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, sau khi Mỹ từ chối quay lại hiệp ước này. "Quyết định của Mỹ đã phá hỏng cân bằng lợi ích giữa các thành viên trong hiệp ước và buộc Nga phải rút khỏi thỏa thuận. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với quá trình xây dựng lòng tin và tính minh bạch, đồng thời gây đe dọa an đối với ninh quốc gia Nga", thông báo từ Điện Kremlin hôm 7/6 cho biết.

Hơn 100 cựu lãnh đạo thế giới đã kêu gọi nhóm các nước G7 trả tiền mua phần lớn vắc xin Covid-19. Theo báo Guardian, các cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tony Blair, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki Moon... đã kêu gọi các nước G7 trả tiền để hỗ trợ cung cấp vắc xin Covid-19 cho người dân thế giới, với chi phí ước tính 30 tỷ USD/năm. "Sự hỗ trợ từ G7 và G20 giúp các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có thể dễ dàng tiếp cận được vắc-xin, không chỉ mang ý nghĩa thiện nguyện, mà còn mang tính lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia, điều mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mô tả là khoản đầu tư công tốt nhất lịch sử", bức thư kêu gọi nêu rõ.

Bác sĩ Preben Aavitsland, người đứng đầu bộ phận phòng chống Covid-19 tại Viện Y tế Công cộng Na Uy, hôm 6/6 đã viết trên Twitter rằng dịch Covid-19 không còn là mối lo ngại ở đất nước của ông. “Tại Na Uy, dịch bệnh đã kết thúc. Chúng ta có thể bắt đầu ngồi lại với nhau, và dịch Covid-19 không còn là mối lo ngại trong cuộc sống của chúng ta”, ông Preben Aavitsland viết. Vị bác sĩ này còn trích dẫn một biểu đồ thể hiện tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại Na Uy đang ở mức thấp nhất kể từ mùa hè 2020.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 298.458 trường hợp mắc COVID-19 và 7.345 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt ngưỡng 174,3 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,7 triệu người không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 174.350.421 ca, trong đó có 3.751.233 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.

Ngày 7/6, Đại tá Assimi Goita đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali, động thái được xem là mở đường cho việc chỉ định một thủ tướng dân sự như yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Phát biểu trong lễ tuyên thệ tại thủ đô Bamako, ông Goita tuyên bố chính phủ chuyển tiếp sẽ "thực hiện tất cả các cam kết" bảo vệ nền cộng hòa và các thành tựu dân chủ, đồng thời khẳng định sẽ tổ chức "các cuộc bầu cử đáng tin cậy, công bằng và minh bạch".

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.