THẾ GIỚI 24H: Malaysia đóng cửa không phận quốc tế

Lễ duyệt binh kỉ niệm Ngày Độc lập của Malaysia năm nay sẽ diễn ra tại thủ phủ hành chính Putrajaya - cách không xa sân bay KLIA và KLIA 2. (Nguồn: Reuters)
Lễ duyệt binh kỉ niệm Ngày Độc lập của Malaysia năm nay sẽ diễn ra tại thủ phủ hành chính Putrajaya - cách không xa sân bay KLIA và KLIA 2. (Nguồn: Reuters)
TPO - Gần 500 chuyến bay sẽ bị ảnh hưởng khi Malaysia đóng không phận gần sân bay quốc tế chính vào mỗi buổi sáng trong vòng 5 ngày vào tuần tới để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, Bộ Giao thông vận tải Malaysia cho biết.

Khung giờ đóng cửa không phận sẽ từ 9:30 sáng đến 10:30 sáng từ ngày 27/8 đến ngày 31/8. Lễ duyệt binh Ngày Quốc khánh thường niên của Malaysia, bao gồm hoạt động biểu diễn trên không của lực lượng không quân, thường được tổ chức vào ngày 31/8 tại thủ đô Kuala Lumpur, cách Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) và sân bay dành cho các hãng bay giá rẻ KLIA2 khoảng 60km. 


Ngày 22-8, tình trạng hỗn loạn trong chính phủ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tiếp tục lún sâu khi có thêm 3 bộ trưởng nữa đệ đơn từ chức, đưa tổng số quan chức chính phủ từ chức lên 10 người. Những nhân vật mới nhất nối tiếp danh sách xin từ chức là Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo,  Bộ trưởng Công dân Alan Tudge và Bộ trưởng Y tế Geg Hunt. Trước áp lực này, Thủ tướng Turnbull đành loại bỏ các cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi dự thảo Đảm bảo năng lượng quốc gia. Chính phủ Australia liên tục xảy ra nhiều sự thay đổi quyền lực bất ngờ từ các vụ đấu đá trong nội bộ đảng cầm quyền.


Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được hàng loạt hệ thống tên lửa phòng không S-400 đầu tiên do Nga sản xuất trong năm 2019, theo tờ RT thuật lại từ tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) ngày 22-8 cho hay. CEO tập đoàn là ông Aleksandr Mikheev đã khẳng định với các phóng viên: “Hợp đồng cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thực hiện theo thời hạn thỏa thuận. Vào năm 2019, chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện”.


Kênh CNBC dẫn nguồn tin giấu tên biết rõ một bản báo cáo tình báo của Mỹ nói rằng Hải quân Nga sẽ tìm kiếm tên lửa bị rơi trên biển Barents, nằm giữa khu vực phía Bắc Na Uy và Nga, hồi tháng 11 năm ngoái. Chiến dịch tìm kiếm sẽ huy động ba tàu quân sự, trong đó có một chiếc được trang bị thiết bị chuyên dụng để xử lý chất phóng xạ rò rỉ từ lõi hạt nhân của tên lửa. Nguồn tin cho biết thêm nhiệm vụ này không có mốc giới hạn thời gian.


Ngày 22/8, hãng vận tải biển Lotus Shipping của Hy Lạp cho biết, một chiếc tàu chở dầu của hãng đã mất tích gần 10 ngày trên vịnh Guinea thuộc khu vực Tây Phi - một trong những điểm nóng nhất trên thế giới về nạn cướp biển. Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn nguồn Lotus Shipping cho biết, hãng đã mất liên lạc với tàu Pantelena từ rạng sáng 14/8, khi con tàu này đang trên hải trình từ cảng Lome của Togo đến cảng Libreville của Gabon. Tại thời điểm mất liên lạc, con tàu mang cờ Panama này được cho là đang cách cảng Libreville khoảng 17 hải lý.


Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 22/8, tờ Cumhuriyet đưa tin, phe đối lập ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi đóng cửa căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở nước này. Theo Cumhuriyet, nghị sỹ Quốc hội đồng thời là thành viên của phe đối lập Ali Öztunç đã kêu gọi chính quyền Ankara đóng cửa căn cứ İncirlik, nơi được Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Ngày 22/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng tất cả các lực lượng nước ngoài đang hiện diện tại Syria mà không được phép của chính quyền Damascus cần rút khỏi nước này. Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov đã được đưa ra với báo giới sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cùng ngày nói rằng việc rút các lực lượng Iran khỏi Syria là một điều kiện tiên quyết mạnh mẽ đối với Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria cùng với các nước khác, trong đó có Nga.


Bộ trưởng Ngoại giao Đức khuyến nghị Châu Âu nên tìm cách giảm phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ bằng cách tạo ra các kênh tài chính của riêng mình. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas kêu gọi thành lập các kênh thanh toán độc lập, giúp các doanh nghiệp châu Âu tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ khi châu Âu không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran theo đề nghị của Mỹ.


Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ngày 22/8 đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump về đề xuất loại bỏ vấn đề Jerusalem khỏi các cuộc hòa đàm ở Trung Đông. Trong thông cáo báo chí, thành viên Ủy ban điều hành PLO Ahmad Tamimi nói rằng đề xuất nói trên của Tổng thống Trump "là vô ích." Cũng theo ông Admad, "Tổng thống Trump sẽ không thể loại bỏ vấn đề Jerusalem ra khỏi trái tim của người Palestine, người Arab và người Hồi giáo."

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG