THẾ GIỚI 24H: Khoảng 500.000 người Thái Lan có thể đã mắc COVID-19 không triệu chứng

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vaccine Covid-19 tại Thái Lan. Ảnh: Reuters
Tiêm vaccine Covid-19 tại Thái Lan. Ảnh: Reuters
TPO - Theo tính toán của tiến sỹ Chalermchai Boonyaleephan, Phó chủ tịch Uỷ ban Y tế công cộng Thượng viện Thái Lan, số lượng người mắc Covid-19 thực tế tại Bangkok và vùng phụ cận có thể lớn hơn nhiều so với con số hơn 100.000 đã công bố.

Bài viết của Tiến sỹ Chalermchai được phát đi qua mạng xã hội theo đó dựa trên số liệu thu thập nghiên cứu, có khoảng 80% số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng. Theo thống kê, kể từ khi đợt dịch bùng phát từ tháng 4 vừa qua, riêng ở Bangkok đã ghi nhận hơn 130.000 trường hợp dương tính trong đó có hơn 100.000 trường hợp là không có triệu chứng hoặc rất ít. Ngoài ra, thông qua các xét nghiệm phát hiện thêm được hơn 30.000 trường hợp đã mắc Covid-19 không triệu chứng. Nếu tính theo tỷ lệ trên trừ đi số lượng bệnh nhân đã được phát hiện qua xét nghiệm thì số lượng người đã nhiễm tính theo nhân khẩu ở Bangkok có thể rơi vào từ 400 tới 500.000 người.

Trong bối cảnh số ca mắc mới nhập cảnh luôn ở trên ngưỡng 300 ca trong nhiều tuần trở lại đây trong khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa toàn bộ 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm biến thể nguy hiểm này. Bộ Y tế Campuchia ngày 29/7 ra thông cáo xác nhận có 765 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, bao gồm 328 ca nhập cảnh và 337 ca lây nhiễm cộng đồng. Trong 24 giờ qua, có thêm 11 người tử vong do COVID-19 ở Campuchia. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 75.917 ca mắc COVID-19, trong đó 68.386 người đã khỏi bệnh và 1.350 người tử vong.

Quân đội Iraq ngày 29/7 cho biết 5 binh sĩ nước này đã thiệt mạng khi trực thăng chở họ rơi trong khi thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu ở phía Bắc thủ đô Baghdad. Trực thăng này rơi gần Amerli thuộc tỉnh Salaheddin, trong một khu vực nơi binh sĩ Iraq thực hiện nhiều chiến dịch chống lại các nhóm thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đại diện chính phủ Pháp ngày 29/7 lên tiếng chỉ trích chính quyền Anh phân biệt đối xử khi gỡ bỏ quy định cách ly với các du khách đã tiêm đủ vaccine từ tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu, trừ du khách Pháp. Theo quyết định được chính phủ Anh thông báo trong ngày 28/07 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2/8, mọi du khách đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 từ Mỹ và Liên minh châu Âu cùng một số nước châu Âu khác như Thụy Sỹ, Na Uy sẽ được phép nhập cảnh vào Anh mà không phải chịu quy định cách ly bắt buộc, với điều kiện các du khách này cung cấp đủ xét nghiệm âm tính trước và sau khi đến Anh.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu khởi động chương trình huấn luyện lực lượng Đặc nhiệm của Afghanistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình huấn luyện ở nước ngoài dành cho lực lượng an ninh Afghanistan là bước đi đầu tiên của NATO sau khi kết thúc sự hiện diện quân sự tại quốc gia Nam Á này. Theo các thông tin được công bố, các binh lính thuộc lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/7 để tham gia khóa huấn luyện.

Ngày 29/7, Bộ trưởng Y tế Israel Nachman Ash đã thông qua khuyến nghị của Nhóm Giám sát Đại dịch về việc tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 cho người lớn tuổi. Dự kiến, từ ngày 1/8, Israel sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho người từ 60 tuổi trở lên nếu họ có nhu cầu. Phản ứng trước thông tin này, nhiều người Israel bày tỏ ủng hộ.

Nguồn tin quân sự Syria cho biết, ngày 29/7, các lực lượng vũ trang nước này đã mở một chiến dịch qui mô lớn nhằm tiêu diệt những nhóm khủng bố tới thời điểm này vẫn không chịu hạ vũ khí đầu hàng tại thành phố miền nam Daraa. Báo Al Jazeera dẫn một nguồn tin chiến trường của quân đội Syria cho hay lực lượng vũ trang nước này đã mở chiến dịch quân sự trên sau sự đổ vỡ của các thỏa thuận đạt được giữa chính quyền Syria với đại diện một số phe nhóm và các bô lão ở Al-Balad, khu vực trung tâm thành cổ của Daraa.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 29/7 thông báo Seoul sẽ thúc đẩy việc đoàn tụ trực tuyến đối với những gia đình bị ly tán với Bình Nhưỡng, coi đây là một dự án liên Triều cấp thiết nhất. Một quan chức Phủ Tổng thống đã tiết lộ ý định trên khi được đề nghị bình luận về những đồn đoán chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đang tìm cách thực hiện một sự kiện đoàn tụ trực tuyến với Triều Tiên sau khi các đường dây liên lạc giữa hai miền được khôi phục hôm 27/7.

Ngày 28/7, Chính phủ Timor Leste ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 16 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ ngày 1/8 đến 30/8/2021 trên toàn bộ lãnh thổ Timor Leste. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Timor Leste, Francisco Guterres Lú Olo cho biết: “Biến thể Delta dễ lây lan đã bao phủ quốc gia láng giềng Indonesia với số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục, vượt qua cả Ấn Độ”.

Hôm 29/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc cuộc tập trận mang tên "Agile Spirit 2021" đang diễn ra của NATO, tuyên bố Moskva sẵn sàng thực hiện các biện pháp an ninh để đáp trả. "Đây là bằng chứng cho thấy NATO đang tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới của Nga. NATO đã đưa quân áp sát với biên giới của chúng tôi thay vì chỉ ở xung quanh", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 29/7 tuyên bố tiến trình đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không thể diễn ra vô thời hạn, song Washington "đã chuẩn bị đầy đủ" để tiếp tục các cuộc thương lượng. Phát biểu trong chuyến thăm Kuwait, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định Washington theo đuổi con đường ngoại giao, song tiến trình này không thể diễn ra "vô thời hạn". Theo ông, Washington sẽ theo dõi động thái của Tehran và sẵn sàng trở lại Vienna (Áo) để tiếp tục các cuộc đàm phán, tiến trình sẽ phụ thuộc vào phía Iran.

MỚI - NÓNG