Nguyên nhân là do những cáo buộc chống lại Iran của Mỹ. Hy Lạp cho rằng, các cuộc tấn công mới nhất vào tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man một lần nữa làm tăng những căng thẳng xoay quanh tình hình Iran. Dường như Mỹ đã xác định trước Iran là mục tiêu của mình và đang tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. Hy Lạp tin rằng việc Mỹ tăng cường những căng thẳng với Iran có liên quan đến kế hoạch ném bom hạt nhân của Israel. Điều này mang lại rủi ro cho cả Hy Lạp và toàn thế giới.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã chính thức lên tiếng xin lỗi người dân về dự luật dẫn độ gây tranh cãi và tuyên bố sẽ chấp nhận tất cả những lời chỉ trích. Mặc dù ngày 15/6 bà Lam đã tuyên bố rằng dự luật dẫn độ sẽ bị đình chỉ nhưng hàng ngàn người vẫn tiếp tục biểu tình trong ngày 16/6 yêu cầu hủy bỏ toàn bộ dự thảo luật này, và yêu cầu bà Lam phải công khai xin lỗi và từ chức. Trước sức ép của người dân, 6 tiếng sau khi các cuộc biểu tình tiếp diễn, lời xin lỗi đã được chính quyền đặc khu đưa ra. Tuy nhiên, chưa rõ lời xin lỗi này có đủ xoa dịu người biểu tình hay không.(XEM CHI TIẾT…)
Hôm 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết “không thể nhầm lẫn” trong cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu hồi tuần trước, song Mỹ không muốn đi đến chiến tranh với Tehran. Ông Pompeo khẳng định: “Tổng thống Trump đã làm tất cả những gì có thể để tránh chiến tranh. Chúng tôi không muốn chiến tranh”. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng Washington sẽ đảm bảo tự do di chuyển ở những khu vực vận tải hàng hải trọng yếu.
Vụ mất điện trên phạm vi cả nước tại Argentina và Uruguay đã khiến khoảng 48 triệu người dân ở hai quốc gia Nam Mỹ không có điện sinh hoạt trong nhiều giờ. Cho đến nay lưới điện mới chỉ khôi phục được khoảng 40% tại Argentina. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Buenos Aires, Bộ trưởng Năng lượng Gustavo Lopetegui cho biết vụ mất điện toàn hệ thống xuất phát từ một sự cố tại hệ thống điện ở khu vực duyên hải. Theo ông, đây không phải điều bất thường, thay vào đó "điều bất thường và không đáng xảy ra là chuỗi sự kiện sau đó khiến mất điện toàn hệ thống."
Ngày 16/6, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề Trung Đông, ông Jason Greenblatt cho biết Washington có thể trì hoãn công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, hay còn được Tổng thống Donald Trump gọi là "kế hoạch thế kỷ", đến tháng 11 năm nay. Ông Greenblatt cũng cho hay, ông ủng hộ bình luận của Đại sứ Mỹ tại Israel, ông David Friedman, về việc Israel có quyền sáp nhập một số phần của Bờ Tây. Đại sứ Friedman đưa ra bình luận này khi trả lời phỏng vấn tờ New York Times hồi tuần trước. Phát biểu này đã gây ra tranh cãi tại Israel và cộng đồng quốc tế.
Theo hãng tin AFP của Pháp, 2 phóng viên của hãng tin này đã bị các lực lượng an ninh tại CH Trung Phi đánh đập, bắt giữ khi đang đưa tin về một cuộc biểu tình bị cấm của phe đối lập ở thủ đô Bangui. Các phóng viên Charles Bouessel, 28 tuổi, và Florent Vergnes, 30 tuổi, cho biết họ đã bị giam giữ trong hơn 6 giờ và bị thẩm vấn 3 lần trong ngày 15/6 sau khi chứng kiến lực lượng an ninh OCRB của CH Trung Phi trấn áp những người biểu tình. Các thiết bị tác nghiệp của hai phóng viên đã bị thu giữ và một camera đã bị đập hỏng.
Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines vừa đưa ra thông báo sẽ đưa hai loại máy bay Boeing 787 Dreamliners và Airbus A350 phục vụ các chặng bay nội địa của hãng từ tháng 9 năm nay. Với sự kiện Olympic đang gần kề, hãng đang tìm kiếm sự thay thế cho các máy bay Boeing 777 đã cao tuổi và mang lại những trải nghiệm thoải mái hơn cho hành khách khi đến Nhật Bản.
Ngày 16/6, cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị lật đổ hồi tháng 4 vừa qua. Ông al-Bashir được đưa từ nhà tù đến văn phòng công tố ở thủ đô Khartoum. Trong trang phục truyền thống, ông đã mỉm cười và nói chuyện với các cảnh vệ. Vài phút sau, ông bước ra khỏi tòa nhà sau khi công tố viên đọc cáo trạng. Theo đó, ông al-Bashir đã bị cáo buộc với các tội danh sở hữu ngoại tệ trái phép, nhận quà tặng bất hợp pháp.
Phó tổng thống Philippines Leni Robredo kiên quyết yêu cầu Trung Quốc để nước này xét xử những người trên con tàu đâm chìm tàu cá nước này, kể cả sau khi Bắc Kinh hứa sẽ điều tra. Phó tổng thống Philippines Leni Robredo tuyên bố những người trên tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá tại Biển Đông cần bị xét xử ở Philippines.Trước đó, Hải quân Philippines bác bỏ lời thanh minh của Bắc Kinh và khẳng định tàu cá Việt Nam đã giải cứu ngư dân Philippines sau khi tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông.