THẾ GIỚI 24H: Hàng trăm cảnh sát Myanmar và người thân chạy trốn sang Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Myanmar và người thân đang chạy trốn sang Ấn Độ trước sự truy quét của chính quyền quân sự. (Ảnh: Reuters)
Cảnh sát Myanmar và người thân đang chạy trốn sang Ấn Độ trước sự truy quét của chính quyền quân sự. (Ảnh: Reuters)
TPO - Hàng trăm cảnh sát Myanmar cùng người thân đã chạy trốn sang Ấn Độ để tránh tham gia hành động trấn áp những người biểu tình của chính quyền quân sự.
AFP dẫn lời các quan chức an ninh cho biết, tính đến hôm 12/3, 264 người đã chạy trốn từ Myanmar sang Ấn Độ kể từ khi cuộc binh biến diễn ra vào ngày 1/2, trong đó có 198 sĩ quan cảnh sát. Điểm đến cuộc di tản của những cảnh sát và người thân là bang Mizoram ở miền Đông Bắc Ấn Độ. "Lý do để tôi chạy trốn từ Myanmar đến Ấn Độ là vì không muốn phục vụ trong quân đội. Hơn nữa, nếu tôi từ bỏ quân đội và tham gia cùng với mọi người, tôi tin rằng chúng ta có thể thắng trong cuộc chiến chống lại chính quyền quân sự", AFP dẫn lời một cảnh sát chạy trốn sang Ấn Độ cho hay.

Thái Lan vừa quyết định hoãn chương trình tiêm vắc xin COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi có thông tin rằng sản phẩm gây vón cục máu, dù chưa có bằng chứng khẳng định mối liên quan này. Bộ Y tế Thái Lan nói rằng họ quyết định dừng vì nước này chưa bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch và họ có các loại vắc-xin khác để sử dụng. Đã có khoảng 30 trường hợp ở châu Âu bị chứng tắc mạch huyết khối, nghĩa là máu bị đóng cục, sau khi tiêm vắc-xin. Cơ quan y tế châu Âu (EMA) hôm 11/3 nói rằng chưa có bằng chứng để khẳng định vắc-xin AstraZeneca gây đông máu, cho rằng vắc-xin này mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro.

Ngày 12/3, Ấn Độ và Trung Quốc đã đi sâu thảo luận việc giải quyết các vấn đề tồn đọng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực Đông Ladakh, khẳng định việc rút quân ở bờ Bắc và Nam của hồ Pangong đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc thúc đẩy một giải pháp sớm. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tại cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc (WMCC) nói trên, hai bên nhất trí trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì ổn định trên thực địa và ngăn ngừa bất kỳ sự cố không đáng có nào. Hai bên cũng nhất trí duy trì liên lạc và đối thoại chặt chẽ thông qua cả hai kênh ngoại giao và quân sự, đồng thời sẽ tổ chức vòng đàm phán quân sự lần thứ 11 vào thời gian sớm nhất.

Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu (eucom.mil) ngày 12/3 cho biết, hơn 900 nhân viên quân sự, dân sự Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cùng tiến hành cuộc tập trận mang tên “Austere Challenge 2021” (AC21-Thử thách khắc nghiệt) trong tuần này theo một kịch bản giả định. Thông báo nêu rõ, cuộc diễn tập trên là “một công cụ hữu ích để chúng tôi rèn luyện các kỹ năng cần thiết nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định trên toàn khu vực. Ban lãnh đạo, các chiến lược gia, các nhà hoạch định và điều hành thuộc Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận kéo dài gần một tuần trong khi vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch”.

Ngày 12/3, Công ty vận tải biển De Poli của Hà Lan thông báo cướp biển đã tấn công tàu chở hóa chất Davide B của công ty này ngoài khơi bờ biển Benin trên Vịnh Guinea và bắt cóc nhiều thủy thủ. Trong một tuyên bố, De Poli nêu rõ vào thời điểm cướp biển tấn công, trên tàu Davide B có tất cả 21 thủy thủ. Cướp biển đã rời đi cùng 15 thủy thủ, trong khi sáu thủy thủ còn lại hiện đã an toàn và không bị thương. Những thủy thủ này vẫn đang ở trên tàu cùng lực lượng an ninh. Các thủy thủ là công dân các nước Ukraine, Romania và Philippines.

Cơ quan vũ trụ Nhật Bản và một trường đại học của nước này sẽ kiểm soát vệ tinh của Myanmar trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau đảo chính. Reuters dẫn nguồn, 2 quan chức từ trường đại học Nhật Bản cho biết, vệ tinh đầu tiên của Myanmar đang được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau cuộc đảo chính ở Myanmar. Cơ quan vũ trụ của Nhật Bản và trường Đại học Hokkaido sẽ nắm quyền kiểm soát vệ tinh này. Vệ tinh trị giá 15 triệu USD do Đại học Hokkaido của Nhật Bản chế tạo trong một dự án hợp tác với Đại học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ Myanmar (MAEU) do chính phủ Myanmar tài trợ. Đây là thiết bị đầu tiên trong bộ vệ tinh nặng 50 kg, có trang bị camera giám sát để hỗ trợ theo dõi nông nghiệp và ngư nghiệp.

MỚI - NÓNG