THẾ GIỚI 24H: Hai máy bay chở khách đâm nhau ở Hà Lan

Cận cảnh hai máy bay va chạm ở Schiphol. Ảnh: Reuters
Cận cảnh hai máy bay va chạm ở Schiphol. Ảnh: Reuters
TPO - Hai máy bay chở khách Airbus và Boeing đâm nhau ngày 9/7 tại sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam đã khiến hàng trăm hành khách bị trễ chuyến nhiều tiếng đồng hồ. 

Tai nạn xảy ra sáng 9/7 khi một chiếc Airbus A320 của hãng hàng không EasyJet đang chuẩn bị khởi hành tới London (Anh) và một chiếc Boeing 737-800 chở khách của hãng KLM đang quay đầu để chuẩn bị cất cánh đến Madrid (Tây Ban Nha). Những bức ảnh do các hành khách trên hai chuyến bay chụp lại sau va chạm cho thấy, cánh của máy bay EasyJet dường như bị móc vào các thiết bị ổn định ở đuôi của máy bay KLM. Hiện không có báo cáo về trường hợp thương vong nào trong sự cố. Cả hai máy bay hiện đều ngưng hoạt động để phục vụ cuộc điều tra của Ủy ban An toàn giao thông Hà Lan.


Thủ đô Paris của Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Quyết định của Paris được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt đầu Hè, với nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở Pháp cũng như nhiều nước khác như Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và CH Bắc Macedonia.


Nhân chứng cho biết Quốc hội Nigeria ngày 9/7 đã bị phong tỏa sau khi xảy ra một vụ nổ súng bên ngoài tòa nhà Quốc hội nước này. Theo Tân Hoa xã đưa tin một vụ tuần hành đã biến thành bạo lực khi hàng trăm người tham gia tuần hành có ý định xông vào tòa nhà Quốc hội Nigeria ở thủ đô Abuja. Nguồn tin trên cho hay một số người biểu tình đã giành súng từ một nhân viên an ninh và cố vượt qua hàng rào an ninh tại cửa ra vào. Đụng độ đã nổ ra và 3 cảnh sát đã bị người biểu tình bắn.


Ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa chỉ trích Ấn Độ, cho rằng nền kinh tế lớn ở châu Á này đã ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu của Mỹ một cách không công bằng. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Ấn Độ từ lâu đã có cơ hội tự do áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ. Không thể tiếp tục chấp nhận được!". Tuy nhiên, ông Trump không đề cập tới khả năng đưa ra hành động đáp trả trong bối cảnh xảy ra bất đồng thương mại giữa hai quốc gia.


Thủ đô Brussels của Bỉ, nơi diễn ra hai chặng đầu giải đua xe đạp danh giá Tour de France, đã được cơ quan chức năng phát hiện nhiều chất nổ, dao và vũ khí tự chế. Một công nhân đã phát hiện những vũ khí trên được giấu dưới gầm cầu thang của một tòa nhà ở khu phố Anderlecht, Brussels. Phía Bỉ chưa có thông báo tiếp về nguồn gốc của vũ khí, chất nổ được phát hiện và đang tiếp tục điều tra.


Ngày 9/7, trên trang Twitter cá nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra một số chỉ trích nhằm vào chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc làm giàu urani của Iran. Cựu ứng cử viên từng tham gia cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2016 cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt vào năm ngoái đã làm cho nước Mỹ mất đi "đòn bẩy" và Iran "được tự do làm những gì họ muốn."


Ngày 9/7, Nhật Bản đã phủ nhận áp đặt cấm vận thương mại với Hàn Quốc, sau khi giữa 2 bên nổ ra tranh chấp ngoại giao phức tạp liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức trong Thế chiến thứ 2 mà có thể làm gián đoạn nguồn cung chip và điện thoại thông minh toàn cầu. Đại sứ Nhật Bản Ihara cho rằng đó không phải là cấm vận thương mại, mà là một đánh giá hoạt động cần thiết để thực hiện kiểm soát xuất khẩu dựa trên các mối quan tâm an ninh của Nhật Bản.


Ngày 9/7, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi khẳng định bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ qua eo biển Hormuz sẽ là "rào cản lớn" đối với nền kinh tế quốc gia Trung Đông này. Thủ tướng Abdul Mahdi cũng cho hay chính phủ Iraq đang nghiên cứu các kế hoạch khẩn cấp nhằm nhằm đối phó với nguy cơ gián đoạn tiềm tàng, gồm cả việc cân nhắc những tuyến xuất khẩu dầu mỏ thay thế.


Đại tướng Prayuth Chan-o-cha đã sử dụng các quyền lực đặc biệt của ông lần cuối để dỡ bỏ lệnh cấm đối với báo chí, chuyển các vụ án liên quan đến những tội chống lại các mệnh lệnh của ông sang các tòa án dân sự, chấm dứt sự cầm quyền của quân đội. Thủ tướng Prayuth sẽ tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm nữa, nhưng không có các quyền lực đặc biệt trao cho ông như quyền miễn trừ về những hành động của mình trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) do ông Prayuth đứng đầu sẽ được giải tán theo Hiến pháp khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức.

MỚI - NÓNG