THẾ GIỚI 24H:Cú sốc COVID-19 từ Pháp, một loạt nhà lãnh đạo châu Âu phải cách ly

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: Reuters
TPO - Ngay sau khi có tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mắc Covid-19, một loạt nhà lãnh đạo ở châu Âu đã phải tự cách ly.

Thủ tướng Pháp Jean Castex, Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel… đều phải cách ly do tiếp xúc với ông Macron. Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron cũng phải tự cách ly, dù bà không có triệu chứng gì cho thấy bà mắc Covid-19. Văn phòng Tổng thống Pháp không tiết lộ tình trạng sức khỏe hay triệu chứng của ông Macron sau khi ông dương tính với Covid-19, nhưng cho hay toàn bộ lịch trình công du của ông đã bị hủy, trong đó có chuyến thăm Lebanon ngày 22/12.


Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona vào ngày 17/12, sau khi một cố vấn trong nhóm của ông được xác định mắc Covid-19. Thông báo từ nhóm phụ trách chuyển tiếp của ông Biden cho biết người mắc Covid-19 là Hạ nghị sĩ Cedric Richmond - một cố vấn thân cận của ông Biden và được tổng thống đắc cử bổ nhiệm chức giám đốc Văn phòng Kết nối Cộng đồng ở Nhà Trắng trong thời gian tới. Người phát ngôn nhóm chuyển tiếp cho biết ông Biden được thực hiện xét nghiệm PCR.


Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 660.000 ca bệnh COVID-19 và gần 12.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 75 triệu ca, trong đó trên 1,66 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 182.000 ca), Brazil (67.738 ca) và Anh (35.383 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.641 ca), Brazil (1.004 ca) và Italy (683 ca). Nhiều nước đang xúc tiến hoặc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt.

Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas ngày 17/12 cho biết nước này sẽ chi tổng cộng 2,3 tỷ euro (2,8 tỷ USD) để mua 18 máy bay chiến đấu Rafale do hãng Dassault của Pháp sản xuất. Thỏa thuận sẽ sớm được ký kết. Phát biểu tại họp báo được truyền hình trực tiếp, quan chức trên cho biết Hy Lạp sẽ mua 6 máy bay mới sản xuất và 12 chiếc Rafale đã qua sử dụng với chi phí 1,92 tỷ euro và dùng 400 triệu euro để mua trang thiết bị cho các máy bay này. Theo kế hoạch, 6 chiếc đã qua sử dụng được giao khoảng tháng 6/2021 và số máy bay còn lại sẽ được giao vào giữa năm 2023.


Hoa Kỳ cáo buộc Nga đã thử nghiệm các tên lửa chống lại vệ tinh khiến nước này và các nước khác đặc biệt lo ngại. Bộ tư lệnh vũ trụ Mỹ cho biết rằng, Nga đã thử tên lửa chống vệ tinh, khiến Washington đặc biệt lo ngại. Theo thông tin từ phía Mỹ, hiện tại Nga đã thử nghiệm hai loại vũ khí chống vệ tinh. Tuy nhiên, phía Mỹ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Tối 17/12, tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu hộ cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, đang điều khẩn cấp tàu tàu CN09 BP 111901 của Bộ đội Biên phòng Bình Thuận tiếp cận cứu hộ 15 thuyền viên trên tàu Panama đang phát tín hiệu cấp cứu ở vùng biển gần đảo Phú Quý. Trước đó, con tàu có quốc tịch Panama này với 15 thuyền viên đang trên hải trình vận chuyển 7.800 tấn đất sét từ Malaysia đi Hong Kong đã gặp nạn ở ngoài khơi vùng biển Bình Thuận.

Ngày 17/12, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thêm 3 tháng hạn ngạch đánh bắt cá giữa Anh và EU do hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Dù đàm phán thương mại giữa Anh và EU chưa đi đến kết quả, song EU quyết định không chờ đợi thêm về vấn đề hạn ngạch đánh bắt. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner cho biết quyết định trên giúp các ngư dân có thể duy trì đánh bắt cá vào ngày 1/1 tới.
MỚI - NÓNG