THẾ GIỚI 24H:Chiến lược tên lửa mới của Mỹ sẽ gây ra chạy đua vũ trang

Binh sỹ Mỹ khởi động hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Binh sỹ Mỹ khởi động hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
TPO - Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/1 tuyên bố, chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang về không gian nguy hiểm, và tương đương với việc tái khởi động chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga mô tả kế hoạch của Mỹ mang tính đối đầu và kế hoạch này sẽ giáng một đòn vào sự ổn định quốc tế vốn đã mong manh. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Washington cân nhắc lại và phối hợp cùng với Moskva trong các cuộc đàm phán mang tính xây dựng về cân bằng vũ khí hạt nhân "trước khi quá muộn".


Ngày 19/1, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ và Nga giữ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và thảo luận vào thời gian thích hợp việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) giữa hai nước. Phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, ông Guterres nói rằng quan điểm của ông rất rõ ràng rằng giữ lại Hiệp ước INF là việc rất quan trọng. Theo ông, việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước START mới cũng quan trọng không kém.


Trung Quốc đã đề xuất thực hiện một kế hoạch chi tiêu kéo dài sáu năm nhằm tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để định hình lại mối quan hệ giữa hai nước. Một nguồn tin cho biết, bằng cách tăng mức nhập khẩu hàng hóa thường niên từ Mỹ với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ USD, Trung Quốc sẽ tìm cách giảm thiểu thặng dư thương mại từ 323 tỷ USD hồi năm ngoái xuống 0 trước năm 2024.


Ngày 18/1, Tòa án thượng thẩm Seoul đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn Nachi - Fujikoshi phải trả 80-100 triệu won (71.000 USD- 98.000 USD) cho 27 nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến hiện còn sống và gia đình của những nạn nhân khác đã qua đời. Tập đoàn Nachi-Fujikoshi bị cáo buộc lừa gạt 1.000 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 12-18 lao động nặng nhọc trong điều kiện làm việc tồi tàn tại các nhà máy đạn dược trong thời kỳ Thế chiến thứ II nhưng không được trả công.


Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ diễn ra vào tháng 2 năm nay, Nhà Trắng cho biết hôm 18/1 sau khi ông Trump gặp nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Nhà Trắng, Sarah Sanders nhấn mạnh dù các cuộc đàm phán của ông Trump với Triều Tiên có hiệu quả, Mỹ sẽ tiếp tục giữ áp lực và trừng phạt đối với Triều Tiên.


Chính phủ Canada ngày 18/1 đáp trả lời cảnh báo của Trung Quốc về những hậu quả nếu Ottawa cấm công ty công nghệ Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của nước này. Bộ trưởng An toàn Cộng đồng Canada Ralph Goodale, khi được hỏi tại một cuộc họp nội các về nhận xét của Đại sứ Trung Quốc, nói rằng Ottawa sẽ không nhượng bộ về an ninh quốc gia do sự đe dọa.


Ngày 18/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi cả Nga và Ukraine hành động để giảm leo thang cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và tại biển Azov, khu vực mà Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine cùng thủy thủ đoàn hồi tháng 11 năm ngoái. Ông cũng tuyên bố Nga phải đảm bảo tự do hàng hải qua eo biển Kerch, ở ngoài khơi bán đảo Krym.


Trong một cuộc họp ngắn được phát sóng trên Kênh 5 (Ukraine), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết, Kiev đang lên kế hoạch phá bỏ thêm gần 50 thỏa thuận đã ký với Nga. Ngoài ra, ông này cũng tiết lộ, đã có 49 văn kiện (thỏa thuận Nga-Ukraine) bị chấm dứt. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Ukraine cam kết, Kiev sẽ "đi theo đường hướng này một cách nhất quán".


Ngày 18/1, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin, ít nhất 20 dân thường đã thiệt mạng sau các cuộc không kích mới nhất của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm thị trấn Baghus, một trong 2 thị trấn cuối cùng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS tại tỉnh Deir al-Zour - vùng nông thôn miền Đông Syria. Trong số những người thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em.

MỚI - NÓNG