THẾ GIỚI 24H: Biểu tình chống cung cấp vũ khí cho Ukraine diễn ra rầm rộ ở Đức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một cuộc biểu tình phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đã thu hút 10.000 người vào hôm thứ Bảy (25/2), bất chấp vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức Chính phủ Đức và sự hiện diện đông đảo của cảnh sát.
THẾ GIỚI 24H: Biểu tình chống cung cấp vũ khí cho Ukraine diễn ra rầm rộ ở Đức ảnh 1
Cuộc biểu tình diễn ra bất chấp điều kiện thời tiết lạnh giá và tuyết rơi dày. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn của cảnh sát cho biết 10.000 người đã tập trung quanh Cổng Brandenburg mang tính biểu tượng của nước Đức ở trung tâm Berlin. Cảnh sát đã huy động 1.400 sĩ quan để giữ trật tự và thực thi lệnh cấm mặc quân phục, mang cờ Nga và Liên Xô, các bài hát của quân đội Nga và các biểu tượng cực đoan. Người phát ngôn cảnh sát cho biết không có dấu hiệu của các nhóm cánh hữu tham dự và cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner viết trên Twitter: “Bất cứ ai không đứng về phía Ukraine là đi ngược lại lịch sử”.


Ukraine cho nổ đập gần Bakhmut để chặn cuộc tấn công của Nga. Một vị cố vấn của nước "Cộng hòa nhân dân Donetsk" tự xưng vừa thông báo vào tối 25/2 rằng các binh sĩ Ukraine đã cho nổ tung một con đập gần Bakhmut nhằm làm chậm đà tiến của quân Nga và buộc dân thường phải sơ tán khỏi thành phố này. Cố vấn Igor Kimakovsky nói với Sputnik: "Con đập đã bị nổ. Nước xối xả đổ xuống từ đập và hướng tới Artemivsk (tên thời Liên Xô của Bakhmut). Họ có khả năng cố gắng chặn cuộc tiến công của chúng tôi. Có lẽ họ muốn cắt đứt các đơn vị tấn công của chúng tôi khỏi lực lượng phía sau nhằm làm chậm nguồn cung đạn dược".


Vừa được bổ nhiệm một ngày, quan chức Hàn Quốc xin thôi việc. Ông Chung Sun Sin, người mới được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Văn phòng Điều tra Quốc gia thuộc lực lượng cảnh sát Hàn Quốc, từ chức ngày 25/2 do bê bối liên quan tới con trai. Ông Chung vừa được bổ nhiệm một ngày trước đó và dự kiến nhậm chức ngày 26/2, Yonhap cho biết. Tuy vậy, ông vướng phải rắc rối khi thông tin con trai ông có hành vi bạo lực bằng lời nói với bạn bè trong suốt 8 tháng được tiết lộ. Con trai ông Chung thậm chí bị yêu cầu chuyển trường.


Nổ trên đường chạy tại Cameroon, 19 vận động viên bị thương. Nhiều vụ nổ nhỏ đã xảy ra trong một cuộc thi chạy tại thành phố Buea vùng Tây Nam Cameroon, khiến một số vận động viên bị thương và phải nhập viện. Cuộc đua có sự tham gia của các vận động viên đến từ Pháp và một số nước châu Phi khác. Giới chức thành phố Buea chưa đưa ra bình luận về vụ việc.


Động đất tiếp tục xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, một trận động đất mạnh 5,3 độ đã xảy ra ở tỉnh Nigde thuộc miền trung nước này chiều 25/2. Hãng tin Anadolu dẫn thông cáo từ Cơ quan quản lý các tình huống khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho hay, tâm chấn của trận động đất trên nằm ở độ sâu 7km và gần huyện Bor của tỉnh Nidge. Hiện chưa có thông tin sơ bộ về thiệt hại vật chất và con người do trận động đất này gây ra.


Nga bất ngờ cắt nguồn cung cấp dầu cho Ba Lan. Ngày 25/2, Nga tuyên bố ngừng cung cấp dầu qua đường ống Druzhba cho Ba Lan. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Ba Lan cho biết chỉ 10% nguồn cung của nước này đến từ Nga và sẽ đang thay thế bằng nguồn khí đốt khác.


Năm người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay cứu thương tại bang Nevada, Mỹ. Ngày 25/2, truyền thông Mỹ đưa tin ít nhất 5 người đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay cứu thương của hãng hàng không Care Flight bị rơi ở bang Nevada (Mỹ). Nhà chức trách đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.


Nhiều điểm bỏ phiếu ở Nigeria bị tấn công trong ngày bầu cử. Cảnh sát bang Lagos, trung tâm kinh tế lớn của Nigeria, ngày 25/2 cho biết một số điểm bỏ phiếu ở bang này trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Nigeria cùng ngày đã bị các tay súng tấn công.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra báo động trong bối cảnh số ca mắc cúm gia cầm (H5N1) tại Campuchia gia tăng gần đây. Nhà chức trách ở Campuchia gần đây báo cáo 2 cá nhân đã mắc phải căn bệnh này và 1 người đã thiệt mạng.


G20 không đạt được đồng thuận về xung đột Nga-Ukraine. Theo hãng tin Reuters ngày 25/2, các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã không thể đạt được sự đồng thuận về cuộc xung đột Nga - Ukraine với việc kết thúc cuộc họp ở Ấn Độ ngày 25/2 mà không có thông cáo chung, khi Nga và Trung Quốc từ chối kí vào tài liệu này. Mỹ và các đồng minh trong nhóm các quốc gia G7 đã kiên quyết yêu cầu thông cáo chung chỉ trích thẳng thắn Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, điều này đã bị các phái đoàn Nga và Trung Quốc phản đối.

MỚI - NÓNG