THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ và Pakistan tiếp tục đấu súng dữ dội tại Kashmir

Khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. Ảnh: AP
Khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. Ảnh: AP
TPO - Hai bên đấu súng tại khu vực Rampur ở huyện biên giới Baramulla, cách thành phố Srinagar, thủ phủ mùa Hè của vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khoảng 105km về phía Tây. Đây là ngày thứ năm hai bên giao tranh tại biên giới.

Nguồn tin chính quyền cho biết, các binh sỹ Ấn Độ và Pakistan ngày 12/6 đã giao tranh dữ dội nhằm vào vị trí của nhau dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) chia tách khu vực Kashmir có tranh chấp. Trước đó một ngày, một binh sỹ đã thiệt mạng và một người dân bị thương trong cuộc đấu súng tương tự ở khu vực Tarkundi và Manjakote thuộc huyện Rajouri. Ấn Độ cáo buộc phía Pakistan nã súng cối và tên lửa dẫn đường vào nhiều ngôi làng dọc LoC. Các lực lượng Ấn Độ đã đáp trả dẫn đến những cuộc chạm súng ác liệt.


Ngày 12/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nước này đang bị "những kẻ cực đoan giật dây," thể hiện qua các cuộc tấn công vào các di tích quốc gia nhằm "hủy hoại quá khứ của đất nước." Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Rõ ràng là các cuộc biểu tình đã bị các phần tử cực đoan có tư tưởng bạo lực điều khiển."


CHDCND Triều Tiên hôm nay tuyên bố nước này mất hết lòng tin vào chính phủ Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo về thời gian “thách thức và đau đớn” phía trước. Đề cập những bất đồng giữa hai nước gần đây liên quan đến kế hoạch rải truyền đơn chống phá Triều Tiên tại khu vực biên giới, người đứng đầu Cơ quan mặt trận thống nhất Triều Tiên Jang Gum Chol nhấn mạnh, sự nghi ngờ lớn hơn lòng tin, đồng thời đặt câu hỏi về sự chân thành của Hàn Quốc trong việc giải quyết các mối lo ngại của Triều Tiên. Triều Tiên gần đây phản đối mạnh mẽ chiến dịch thả truyền đơn chống phá nước này tại khu vực biên giới với Hàn Quốc.


Ngày 12/6, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã chính thức ký hủy bỏ điều luật giữ bí mật hồ sơ cảnh sát, một đạo luật trước đây cho phép không thông tin về những vụ việc sai phạm của cảnh sát tới công chúng. Quyết định của người đứng đầu bang New York được đưa ra sau khi đối mặt với quá nhiều sức ép từ công chúng đòi phải hành động chống lại tình trạng cảnh sát bạo lực, sau cái chết của công dân da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Mennesota.


Người biểu tình ở Mỹ và một số nước đang ồ ạt phá tượng đài và lên danh sách các bức tượng liên quan chế độ nô lệ để phá hủy. Tuy nhiên, hành động của họ vừa vi phạm pháp luật vừa không thể làm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Theo tờ National Interest, khi người biểu tình xô đổ bức tượng Liên minh miền Nam “Silent Sam” tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill ngày 20/8/2018, họ muốn hủy bỏ biểu tượng mạnh mẽ về người da trắng thượng đẳng. Xét cho cùng thì bức tượng “Silent Sam” được dựng lên để tri ân những người muốn duy trì chế độ nô lệ ở Mỹ.


2 người Bắc Ireland sẽ bị dẫn độ về Anh để đối mặt với tội ngộ sát liên quan đến cái chết của 39 người Việt Nam được tìm thấy trong thùng xe tải đông lạnh gần London năm ngoái, tòa án Ireland ngày 12/6 công bố. Tòa án tối cao Ireland đã phê chuẩn việc bàn giao cho Anh đối tượng Ronan Hughes, 40 tuổi, với tội danh ngộ sát và vi phạm nhập cư. Một tòa án riêng rẽ khác đã bác bỏ đơn kháng cáo chống dẫn độ đối với Eamonn Harrison, 23 tuổi, người cũng phải đối mặt với tội buôn người.


Nhiều quốc gia trong khu vực đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với COVID-19, đặc biệt là Ai Cập, Nam Phi và Nigeria. Ba nước hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ. Cụ thể, trong ngày 12/6, Nam Phi ghi nhận thêm 3.359 ca mắc và 70 ca tử vong mới, Ai Cập ghi nhận thêm 1.577 ca mắc và 45 trường hợp tử vong, trong khi đó, Nigeria ghi nhận thêm 681 mắc mới. Theo thống kê từ ngày 31/5-11/6, tức là trong vòng 11 ngày, số trường hợp mắc COVID-19 ở châu Phi đã tăng từ 147.600 lên khoảng 216.800, tương đương gần 48%.


Chính phủ Anh ngày 12/6 chính thức xác nhận thông tin nước này sẽ không xin gia hạn thời kỳ quá độ Brexit kết thúc cuối năm 2020 và sẽ lập lại việc kiểm tra biên giới với EU từ đầu năm 2021. Thông tin khẳng định việc không gia hạn thời kỳ quá độ Brexit được Bộ trưởng nội các Anh, Michael Gove thông báo trên Twitter cá nhân chiều ngày 12/6. Theo ông Gove, thời điểm gia hạn đã trôi qua và từ ngày 1/1/2021, Vương quốc Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát cũng như sự độc lập về chính trị và kinh tế.


Bộ Nội vụ Pháp đang vấp phải sức ép hai chiều khi lực lượng cảnh sát Pháp đang phản ứng dữ dội với kế hoạch đấu tranh chống tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này công bố hôm 8/6 vừa qua. Trong khi các cuộc biểu tình của người dân phản đối tình trạng bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc tiếp tục nổ ra trên toàn quốc. Ngày 11/6, tại nhiều thành phố lớn, theo lời kêu gọi của các công đoàn, nhiều cảnh sát đã đồng loạt đặt chiếc còng tay xuống đất.

MỚI - NÓNG