THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ và Pakistan đấu súng tại khu vực Kashmir, có thương vong

Binh sĩ Ấn Độ đang băng qua đường cao tốc quốc gia Srinagar-Leh. Ảnh: Getty.
Binh sĩ Ấn Độ đang băng qua đường cao tốc quốc gia Srinagar-Leh. Ảnh: Getty.
TPO - Giới chức Ấn Độ ngày 16/9 cho biết một binh sỹ của nước này đã thiệt mạng trong một cuộc đấu súng với quân đội Pakistan tại dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước.

Hai bên đã đấu súng vào đêm 15/9 tại địa phận huyện Rajouri, cách thành phố Srinagar, thủ phủ của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, 222km về phía Tây Nam. Người phát ngôn quân đội Ấn Độ cáo buộc quân đội Pakistan nổ súng trước, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, do đó quân đội Ấn Độ đã "đáp trả mạnh mẽ." Cho đến nay, phía Pakistan chưa đưa ra bất cứ thông tin tổn thất nào.'


Tổng thống Trump hôm 16/9 tuyên bố, Mỹ sẽ bắt đầu phân phối vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 từ giữa tháng 10, vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 11. Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 16/9, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ có thể sử dụng vaccine COVID-19 trong tháng tới, nếu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận loại thuốc này. “Chúng ta đang ở rất gần với loại vaccine đó”, Tống thống Trump nói, đồng thời cho biết vaccine sẽ sẵn sàng vào giữa tháng 10. Theo đó Mỹ sẽ phân phối 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2020 và ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, theo chiến lược phân phối của chính quyền được công bố hôm 15/9.

Ngày 16/9, Iran đã kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc xem xét những nỗ lực của Tehran để lật ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, đồng thời cho rằng hành động của Washington đang phá hủy nền kinh tế quốc gia Trung Đông này và "hủy hoại hàng triệu sinh mạng." Theo kế hoạch, ICJ (trụ sở tại Hà Lan) trong tuần này sẽ xem xét các lý lẽ của Iran và Mỹ trước khi quyết định xem cơ quan này có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay không. Iran đã kiện Mỹ lên ICJ hồi năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tái áp đặt trừng phạt Iran.


Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 16/9 thông báo sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng tại 3 tỉnh miền Nam nước này gồm Narathiwat, Yala và Pattani. Phát biểu với truyền thông, ông Prayut Chan-o-cha cho biết đã ký thông qua quyết định trên và nhật báo Royal đã đăng thông báo này trên trang web cùng ngày. Trước đó, ngày 11/9, thông báo gia hạn trên đã được Thủ tướng ký ngày 11/9 theo sắc lệnh Hành chính công về Tình trạng khẩn cấp sau khi được nội các thông qua.

Khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã điều động thêm 10.000 binh sĩ dọc theo đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, các nguồn tin chính phủ ở New Delhi tiết lộ. Việc vận chuyển thêm quân đến biên giới với Ấn Độ giúp lực lượng của Trung Quốc triển khai tại đây tăng lên khoảng 52.000 người với 150 máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không.

Tính đến 6h sáng nay (17/9), thế giới đã có gần 30 triệu người mắc Covid-19, trong đó bao gồm ít nhất 944.192 người tử vong, theo thống kê trên trang Worldometers. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về cả số người mắc bệnh lẫn tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 36.373 ca nhiễm mới, nâng tổng số người bệnh kể từ đầu dịch tới nay lên 6.824.520. Số ca tử vong mới là 1.048, đưa tổng số người thiệt mạng lên 201.245.

Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan hôm 16/9 cho biết, các cửa khẩu ở biên giới giữa nước này với Myanmar tạm thời phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và nạn buôn bán ma túy.  Theo lời phát ngôn viên Tantrawanit, từ ngày 1/1 đến ngày 31/8, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ được 179.050 đối tượng buôn bán chất ma túy và thu giữ 143 triệu viên ma túy tổng hợp cùng 5,4 tấn ma túy đá. Liên quan tới vấn đề ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit nói rằng, các thương nhân vẫn có thể vận chuyển hàng hóa và để hàng hóa tại điểm thu mua ở biên giới mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Ngày 16/9, Reuter đưa tin cho biết, hợp đồng bán 7 hệ thống vũ khí quan trọng cho Đài Loan, trong đó có mìn sát thương, tên lửa dẫn đường và máy bay không người lái, đang được Mỹ hoàn tất các thủ tục cuối cùng, động thái được miêu tả là nhằm gây sức ép lên Trung Quốc. Các lô vũ khí này - được sản xuất bởi Lockheed Martin, Boeing và General Atomics - đang trải qua giai đoạn làm thủ tục xuất khẩu. Quốc hội Mỹ dự kiến ra thông báo về hợp đồng bán lô vũ khí cho Đài Loan trong vài tuần tới.
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.