THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ từ chối nhận cứu trợ lũ lụt từ nước ngoài

Lũ lụt ở Kerala
Lũ lụt ở Kerala
TPO - Ấn Độ sẽ không nhận hỗ trợ cứu trợ từ chính phủ nước ngoài cho bang Kerala, sau những đề nghị viện trợ từ Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). 

Tuần này, UAE đã đề nghị hỗ trợ 100 triệu USD trong khi Qatar hỗ trợ 5 triệu USD cho khu vực bị lũ lụt tàn phá tại Ấn Độ. Quyết định từ chối sự giúp đỡ của nước ngoài đã vấp phải những lời chỉ trích từ phe đối lập, kêu gọi chấm dứt nỗi đau của người dân miền Nam đất nước. Đảng Quốc hội đối lập cáo buộc ông Modi đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vì đã không thông qua các gói viện trợ và tạo ra những trở ngại cho sự giúp đỡ từ bên ngoài. Đợt lũ lụt tồi tệ vừa qua tại bang Kerala, Ấn Độ, khiến 383 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị san phẳng. Cuộc sống của người dân sau lũ trở nên vô cùng khốn khó.


Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 24/8 tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì cho tới khi Nga thay đổi cách hành xử của mình. Ông John Bolton hiện đang có chuyến thăm tại Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm không đổi của Mỹ là không công nhận việc sáp nhập Bán đảo Crimea, điều mà Tổng thống Donald Trump đã thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Phần Lan tháng 7.


Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Đức và Áo là biểu hiện của một chính sách đối ngoại và giao tiếp quốc tế bình thường, song nó lại diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt. Chỉ mới đây thôi giới chuyên gia còn cảm thấy như các cuộc đối thoại sẽ không thể nào diễn ra hoặc sẽ trở thành cuộc trò chuyện của “hai người điếc”. Tuy nhiên, cảm xúc và xung đột đến và đi, còn lợi ích thì ở lại. Chính lợi ích đã buộc Đức, và cả Áo, phải bắt đầu cuộc chơi ngoại giao với Nga.


Thủ tướng mới của Úc Scott Morrison hôm 24-8 bác bỏ các suy đoán về kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm và tuyên bố giải quyết tình trạng hạn hán hoành hành khắp miền Đông nước này là ưu tiên trước mắt của ông. Nhậm chức sau cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới cho Đảng Tự do cầm quyền, qua đó hạ bệ cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, đầy hỗn loạn tại Canberra trước đó cùng ngày 24-8, ông Morrison hứa hẹn với người dân Úc sẽ gây dựng một thế hệ lãnh đạo mới và đoàn kết Đảng Tự do cầm quyền "bầm dập" của mình.


Một lần nữa cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi xa hơn một bước bằng việc đe dọa trừng phạt tất cả các đồng minh NATO nếu muốn làm tương tự. Theo hãng RT, đề cập đến kế hoạch vận chuyển S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một “mối lo ngại” khác đối với Mỹ, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh rằng Washington phản đối kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung cấp hệ thống quốc phòng của các nước khác.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bác bỏ đề xuất mời chào của Hoa Kỳ về việc mua chiến đấu cơ F-16, ông gọi nó là thứ "hoàn toàn vô dụng", như Sputnik International đưa tin. "Chúng ta không cần F-16, nhưng họ (Hoa Kỳ) dù sao chăng nữa vẫn cứ nêu vấn đề này ra, ngay cả sau khi họ xúc phạm chúng ta", ông Rodrigo Duterte nói khi phát biểu trước các quân nhân ở thành phố Davao. Ngoài ra, Tổng thống Rodrigo Duterte lưu ý rằng khó có thể gọi Washington và Manila là bạn bè của nhau.


Ngày 24/8, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các lệnh trừng phạt mới của Mỹ liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh, sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nằm ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế và là biểu hiện của chính sách thù địch chống Nga.


Hãng tin Yonhap ngày 24-8 cho biết, Hàn Quốc sẽ đề nghị Triều Tiên rút các trạm gác tại một số khu vực được chỉ định của Khu phi quân sự (DMZ), thay vì cam kết giảm số lượng các cơ sở biên giới này bằng nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đưa ra nhận xét trong bối cảnh lo ngại rằng, nếu hai miền Triều Tiên đồng ý loại bỏ cùng số lượng trạm gác, Seoul sẽ bị bất lợi vì Triều Tiên có khoảng 160 trạm gác trong DMZ, gấp đôi số do Hàn Quốc điều hành.


Air France và British Airways đã thông báo ngừng đường bay đến Tehran từ tháng 9/2018.Những quyết định trên của các hãng hàng không châu Âu nhằm tuân theo các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Tehran. Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 7/2015, Mỹ đã tái lập các biện pháp trừng phạt vào ngày 6/8. . Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến nhiều dự án của các công ty nước ngoài ở Iran ngừng hoạt động và do đó giảm lượng khách hàng của các hãng hàng không này.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG