THẾ GIỚI 24H: 11 thượng nghị sĩ tính 'lật kèo' bầu cử Mỹ

Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri là thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử trong cuộc họp lưỡng viện ngày 6/1. Ảnh: AP.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri là thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử trong cuộc họp lưỡng viện ngày 6/1. Ảnh: AP.
TPO - 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 2/1 thông báo họ sẽ phản đối việc công nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn vào ngày 6/1, khi Quốc hội tổ chức phiên họp chung để kiểm phiếu.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) cùng 10 đồng nghiệp đảng Cộng hòa hôm 2/1 đã ra tuyên bố chung nói rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại việc chấp nhận kết quả bầu cử, trừ khi các lá phiếu được kiểm lại trong 10 ngày, The Hill cho biết. “Quốc hội nên chỉ định ngay một Ủy ban Bầu cử, với đầy đủ quyền điều tra và tìm hiểu thực tế, để kiểm phiếu khẩn cấp trong 10 ngày ở các bang có tranh chấp”, theo tuyên bố. "Sau khi kiểm phiếu lại xong, các bang sẽ đánh giá kết quả của ủy ban và có thể triệu tập một phiên họp đặc biệt để chứng nhận sự thay đổi trong phiếu bầu của họ, nếu cần”, tuyên bố viết.

Nhà của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bị một số kẻ quá khích bôi bẩn vào ngày đầu năm mới. Bức ảnh chụp hiện trường vụ việc cho thấy, nhiều dòng chữ được viết trên cửa gara nhà bà Pelosi, kèm theo là các vệt máu giả. Hiện cơ quan an ninh đã mở cuộc điều tra vụ việc này.

Ấn Độ mới đây đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca và trường Đại học Oxford phát triển, mở đường cho chiến dịch tiêm chủng diện rộng tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Ấn Độ chấp thuận sử dụng khẩn cấp vì nước này có số ca mắc cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Động thái này diễn ra vào ngày Ấn Độ đang tiến hành cuộc diễn tập thử nghiệm trên toàn quốc về phân phối vaccine. Bộ trường Javadekar cho biết có ít nhất ba loại vaccine nữa đang chờ được phê duyệt, gồm COVAXIN của Bharat Biotch, ZyCoV-D của Zydus Cadila và Sputnik-V của Nga. Ấn Độ hy vọng có thể tiêm chủng cho 300 triệu người trong 6-8 tháng đầu năm 2021.

Người phát ngôn của lực lượng cảnh sát tỉnh Faryab Abdul Karim Yurash cho biết 7 tay súng của Taliban, bao gồm Mawlawi Wakil Ahmad (bí danh Nazim), thống đốc tự phong của Taliban ở tỉnh này, đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom vào lúc 2h00 ngày 2/1 (giờ địa phương) ở quận Dawlat Abad. Tuy nhiên, vị quan chức này không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Hiện các tay súng Taliban đang hoạt động tại tỉnh Faryab vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này.

Ít nhất 79 dân thường thiệt mạng trong vụ tấn công đồng thời nhằm vào 2 ngôi làng tại khu vực biên giới của Nigeria gần với Mali. Theo nguồn tin an ninh, các phần tử vũ trang Hồi giáo có thể là những kẻ thực hiện các vụ tấn công. Riêng tại ngôi làng Tohombangou, ít nhất 49 người dân thiệt mạng và 17 người khác bị thương trong vụ tấn công, trong khi đó có thêm 30 người khác thiệt mạng tại làng Zaroumdareye. Chính phủ Nigeria chưa có bình luận về thông tin này.

Quân khu miền Tây của Nga ngày 2/1 ra tuyên bố cho biết cuộc tập trận chung Nga-Belarus mang tên Zapad-2021 (Phương Tây-2021) sẽ tập trung vào khả năng chống lại tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV). Tuyên bố nêu rõ: “Các cuộc tập trận Zapad-2021 sẽ tập trung vào khả năng chống lại tên lửa hành trình và UAV, cũng như các hoạt động hỏa lực và tác chiến điện tử chống lại các đội hình đối phương, các phương thức huấn luyện khả năng phát triển lính dù và chuyển đổi nhanh chóng các hoạt động quân sự.”

Chính phủ Singapore và Malaysia đã chấm dứt dự án đường sắt cao tốc chung có trị giá hàng tỷ USD, sau khi hai nước này không đạt được thoả thuận bởi tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19. Dự án đường sắt cao tốc nối liền hai quốc gia Đông Nam Á này có chiều dài 350km, và chỉ mất 90 phút chạy tàu từ Thủ đô của Malaysia tới Singapre. Dự án đã được khởi động từ năm 2013 khi đó nhận được đồng ý của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế được thúc đẩy dọc đường tàu và các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu đều bày tỏ sự quan tâm tới dự án.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 490.303 ca mắc COVID-19 và gần 7.500 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 84,9 triệu, trong đó có trên 1,84 triệu ca tử vong. Tính đến 6h ngày 3/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 84.915.877 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.842.386 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 59.994.635 người, 23.063.799 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.632 ca nguy kịch. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (187.857 ca), Anh (57.725 ca) và Nga (26.301 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.711 ca), tiếp theo là Nga (447 ca) và Anh (445 ca).
MỚI - NÓNG