Thay xe mới, đổi màu sơn buýt mang sắc xanh xuống phố

Xe buýt mới di chuyển êm ái, mỗi khi xe lăn bánh như mang sắc xanh xuống phố.
Xe buýt mới di chuyển êm ái, mỗi khi xe lăn bánh như mang sắc xanh xuống phố.
TP - Với nhiều tuyến buýt được thay xe mới, đổi màu sơn và cung cách phục vụ, năm 2016 nhiều tuyến Thủ đô đã mang diện mạo mới. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) không giấu giếm: Transerco đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng gần gũi hơn với hành khách.

Sắc xanh xuống phố

Ðầu tháng 9/2016, hành khách thường xuyên đi trên hai tuyến buýt số 36, lộ trình: Yên Phụ - Linh Ðàm và số 38, lộ trình: Nam Thăng Long - Mai Ðộng đã bất ngờ khi thấy những chiếc xe buýt có màu vàng đỏ họ đang đi hàng ngày được thay mới toàn bộ bằng dàn xe chất lượng có màu xanh nước biển. Với thiết kế 60 chỗ ngồi, sàn bán thấp (thuận lợi cho lên xuống), chất lượng xe đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu (Euro 3), kèm theo các tiện ích như wifi miễn phí, bảng điện tử Led, hệ thống âm thanh thông báo thông tin tự động kết nối với các điểm dừng… khiến nhiều hành khách sau bất ngờ là sự hào hứng, hài lòng. Do xe mới coóng, di chuyển êm ái, linh hoạt nên mỗi khi buýt lăn bánh người dân trên các tuyến phố tỏ ra thích thú với màu sơn xanh buýt “khoác” trên mình.

Tiếp đến, trong tháng 12/2016, Transerco đã khai trương thêm 2 tuyến buýt mới có số hiệu 89: bến xe Yên Nghĩa - bến xe Sơn Tây và tuyến có số hiệu 90: Kim Mã - sân bay Nội Bài; dịp này Transerco cũng thay toàn bộ xe mới trên tuyến buýt số 14: Bờ Hồ - Cổ Nhuế. Xe trên tất cả các tuyến này cũng là xe đời mới, sơn màu xanh. Với tuyến buýt 89, 90 được khai trương là nằm trong kế hoạch mở rộng vùng phục vụ ra khu vực các huyện ngoại thành như Hoài Ðức, Quốc Oai, Thị xã Sơn Tây (tuyến 89) và Ðông Anh, Sóc Sơn (tuyến 90). Tuyến 90 là tuyến thứ 2 Transerco mở chạy đến sân bay Nội Bài bằng phương tiện đời mới, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Traserco cho biết, với việc đưa thêm hai tuyến buýt số 89 và 90 tham gia vào mạng lưới xe buýt Hà Nội, Transerco đã gần hoàn thành việc mở thêm 6 trên 8 tuyến mới theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Cùng với các tuyến mới mở, trong năm 2016, Transerco cũng đã thay thế phương tiện đời mới trên 8 tuyến buýt, tất cả các phương tiện được thay đều có chủng loại như xe trên tuyến số 36, 38.

Thay xe mới, đổi màu sơn buýt mang sắc xanh xuống phố ảnh 1

Nhờ thay xe mới, đổi màu sơn và tăng tiện ích, sản lượng xe buýt đang được bình phục trở lại. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Triều, việc thay xe chất lượng, đổi màu sơn kèm logo và bộ nhận diện thương hiệu xe buýt mới (hình ảnh chim bồ câu cách điệu gắn với biểu tượng Khuê Văn Các) là nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ của Transerco. Qua khảo sát thấy rằng, sự thay đổi trên đã mang lại sự yên tâm cho hành khách, đặc biệt khi lên xe hành khách còn được cung cấp các dịch vụ tiện ích nên cảm thấy thoải mái hơn. “Sau hơn 1 năm giảm nhẹ, 6 tháng cuối năm 2016, sản lượng hành khách đi xe buýt bắt đầu tăng trưởng trở lại. Chúng tôi khẳng định, để phát triển VTCC trong đó có xe buýt chất lượng dịch vụ là yếu tố cốt lõi”, ông Triều nhấn mạnh.

Có đường ưu tiên, buýt sẽ “cán đích” các mục tiêu

Trong kế hoạch phát triển xe buýt từ nay đến năm 2025 (thời điểm Hà Nội bắt đầu hạn chế xe máy) Transerco xác định, để hành khách lựa chọn và gắn bó lâu dài với xe buýt, việc nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố quyết định. Cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng vừa giao cho Transerco xây dựng một đề án riêng về nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển VTCC bằng xe buýt từ nay đến năm 2020, định hướng 2025.

Theo đó, cùng với nâng cao chất lượng đoàn phương tiện, công tác quản lý, từ nay đến năm 2020, để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Việt Triều cho rằng, vấn đề đầu tiên cần thực hiện là giải pháp hạ tầng. Lâu nay hành khách thường phàn nàn về dịch vụ xe buýt đi chậm, ùn tắc… Nguyên nhân chính của việc này là do hạ tầng (đường, làn dành riêng) cho buýt hoạt động chưa có, dẫn đến buýt phải đi hỗn hợp, ùn tắc. Hơn nữa khi thành phố khuyến khích người dân đi VTCC trong đó có xe buýt, yếu tố đầu tiên để mọi người có thể chọn xe buýt là xe đi phải nhanh hoặc ít ra bằng xe cá nhân. Tuy nhiên, do thực tế trên nên hiện xe buýt đang di chuyển chậm hơn xe máy. “Ðể xe buýt chạy nhanh hơn, được nhiều đối tượng hành khách lựa chọn như các thành phố phát triển trong khu vực, cần thiết phải có đường, làn dành riêng”, ông Triều kiến nghị.

Thay xe mới, đổi màu sơn buýt mang sắc xanh xuống phố ảnh 2

Ðoàn xe mới với các màu đặc trưng theo từng lộ trình tuyến của Transerco. Ảnh: Anh Trọng. 

Theo ông Triều, trong đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt vừa được thành phố Hà Nội họp triển khai, thành phố cũng đã có lộ trình rõ ràng cho việc này. Cụ thể, cùng với đường của buýt nhanh BRT trong năm 2017 thành phố đã giao cho các sở ngành tổ chức trên 15km đường ưu tiên cho xe buýt, các trục đường có đủ điều kiện để triển khai nội dung này, gồm: Giải Phóng, Vành đai 3, Nguyễn Văn Cừ. Tiếp đó theo lộ trình từ nay đến năm 2020, thành phố có chủ trương tổ chức trên 60 km đường, làn dành riêng cho xe buýt.

Sau hạ tầng, tổ chức giao thông, ông Triều cho biết, còn có 3 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt  bao gồm: Ðổi mới, nâng cao chất lượng đoàn phương tiện theo tiêu chuẩn và bộ nhận diện xe buýt mới của thành phố (đã đề cập ở trên); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình ảnh của lái xe và nhân viên bán vé; Công tác quản lý, điều hành được ứng dụng công nghệ cao.

Theo lãnh đạo Transerco nếu các kế hoạch trên được triển khai sớm, đúng mục tiêu, chất lượng xe buýt sẽ được cải thiện căn bản. Cùng với đó từ nay đến năm 2020, định hướng 2025 xe buýt thủ đô được đặt mục tiêu phải đáp ứng từ 15 đến 16% trên tổng 30% nhu cầu mà VTCC Thủ đô phải đáp ứng là hoàn toàn khả thi.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.