Đường sắt đô thị thi công ì ạch - Bài cuối:

Thay Tổng Giám đốc, yêu cầu Tổng thầu đường sắt trở lại Việt Nam

Bộ GTVT giao quyền “chìa khóa trao tay” để giảm thủ tục cho Tổng thầu. Ảnh: Trọng Đảng.
Bộ GTVT giao quyền “chìa khóa trao tay” để giảm thủ tục cho Tổng thầu. Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông thi công ì ạch, ngày 31/3, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT (Chủ đầu tư) đã trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong. Ông Trường cho biết: Do năng lực yếu, Tổng Giám đốc dự án vừa bị thay và Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu phải trở lại Việt Nam.

Theo ông Trường, do năng lực và tính chuyên nghiệp của Tổng thầu yếu kém nên thời gian qua đã để xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng. Việc này đã làm dự án thi công chậm, không đạt tiến độ đặt ra. Sau khi rà soát toàn bộ dự án, chủ đầu tư đã yêu cầu phía Trung Quốc thay Tổng Giám đốc dự án và Trưởng Tư vấn giám sát (TVGS). Đến nay hai vị trí này đã được phía Trung Quốc thực hiện.

Có thông tin hiện hầu hết công nhân, kỹ sư của Tổng thầu đã về nước, khiến dự án đìu hiu thưa ông?

Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, tất cả các hạng mục công trình đã được phép thi công trở lại, không có hạng mục nào chưa triển khai. Đến hết tháng 2, số kỹ sư Trung Quốc tại dự án là 29 người. Tổng thầu đã tăng cường nhân sự về công tác thiết kế và tổng công trình sư; đồng thời TVGS  cũng tăng cường thêm nhân sự cả trong nước và phía Trung Quốc.

Tính cả thời gian dự án bị dừng do tai nạn và ảnh hưởng việc trên, nhiều hạng mục dự án đến nay đã dừng 3 tháng. Cùng với việc thay Tổng Giám đốc dự án và TVGS, Bộ GTVT vừa yêu cầu Tổng thầu gấp rút đưa người trở lại Việt Nam. Tổng thầu đã hứa những ngày tới sẽ có thêm 100 kỹ sư, điều hành sang Việt Nam.

Đánh giá Tổng thầu năng lực yếu kém sao Chủ đầu tư không dừng hoặc loại khỏi dự án?

Trước những gì Tổng thầu thể hiện vừa qua, Bộ GTVT rất muốn loại bỏ Tổng thầu khỏi dự án. Tuy nhiên, do nguồn vốn triển khai là vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc, trong thỏa thuận hợp đồng vay vốn có sự ràng buộc là phía nhà cung cấp vốn (Chính phủ Trung Quốc) được lựa chọn Tổng thầu và TVGS. Chủ đầu tư chỉ có quyền yêu cầu thay lãnh đạo Tổng thầu, TVGS nếu không đáp ứng công việc.

Thay Tổng Giám đốc, yêu cầu Tổng thầu đường sắt trở lại Việt Nam ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT.

Dự án bị đội giá trên 339 triệu USD (tăng 62% tổng mức đầu tư ban đầu), số tiền này lấy ở đâu và đã được giải ngân chưa?

Sau khi Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép, chủ đầu tư đã đàm phán với phía Trung Quốc. Phía đối tác đã chấp thuận về chủ trương tiếp tục cho chủ đầu tư vay để hoàn thành dự án. Dự kiến số vốn được vay thêm 315,18 triệu USD.

Vậy đến nay còn gặp phải vướng mắc gì và có tiến độ như thế nào, thưa ông?

Để đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đề ra, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu phải kiểm soát đặc biệt tiến độ thi công của các đơn vị thi công (thầu phụ), nếu đơn vị nào không đáp ứng yêu cầu thay thế ngay; đồng thời yêu cầu Tổng thầu phải tạo mọi điều kiện (về thanh toán, cung cấp các vật tư đủ) cho các nhà thầu phụ để thi công. Lãnh đạo Bộ sẽ họp giao ban 1 lần/tháng hoặc họp đột xuất để kịp thời xử lý các vướng mắc.

UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục giải quyết các vướng mắc GPMB còn lại, đặc biệt với 4 hộ dân và công trình ngầm ở Ga Cát Linh. Đồng thời Sở GTVT Hà Nội tiếp tục cấp phép thi công, công tác đảm bảo an toàn giao thông, điều tiết giao thông… Trước đây dự án có tiến độ dự kiến 31/12 sẽ đi vào vận hành, khai thác thử. Tuy nhiên, do sự cố sập giàn giáo ga Bến xe Hà Đông, nhiều khả năng tiến độ này phải điều chỉnh lại.

Cảm ơn ông!

Ngày 31/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: Cùng với việc yêu cầu bộ phận lãnh đạo mới của Tổng thầu phải sang Việt Nam làm việc, để giảm bớt các thủ tục phải trình ký, xin phép gây mất thời gian, từ nay Bộ GTVT sẽ giao toàn quyền việc thi công cho Tổng thầu theo hình thức “chìa khóa trao tay”, Bộ GTVT chỉ giám sát, kiểm định về chất lượng.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.