Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Học ngoại ngữ, đừng lôi công nghệ đè lên đầu trẻ

TPO - Để con cái chúng ta thành công, các phụ huynh đừng tham vọng quá. Đừng tuyệt đối hóa bằng tiếng Anh. Chúng ta đưa Việt Nam hội nhập với các nước trên thế giới không phải bằng tiếng Anh, tiếng Anh chỉ là phương tiện. Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA với đông đảo phụ huynh tại buổi khai trường học viện Anh ngữ Ensrpire.

Trước câu hỏi của một phụ huynh: con học tiếng Anh một thời gian mà chưa thấy hiệu quả, áp lực học tập nhiều khiến con chán nản. Vậy cách nào để xây dựng môi trường học tốt nhất tiếng Anh cho trẻ? Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA đã có những chia sẻ chân thành từ một người giáo viên ngoại ngữ.

Theo thầy Hùng, bất cứ công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thay thế được người thầy. Người thầy vẫn có vai trò quyết định trong việc truyền tri thức đến với mỗi đứa trẻ.

“Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì chúng ta  đã có nhiều thế hệ chứng minh điều đó. Thế hệ của chúng tôi không có gì khác ngoài người thầy, không có băng cassette để nghe, không có ti vi, tài liệu cũng không có” – thầy Nguyễn Quốc Hùng nói.

Thầy Hùng cũng cho biết thêm thế hệ thày không hề biết  tiếng Anh là gì cho đến khi vào Đại học. Thậm chí 4 năm Đại học thì mất 2 năm học các môn đại cương, chỉ có 2 năm học tiếng Anh. Nhưng ra đời, vẫn trưởng thành và hoàn thành công việc.

“Thế nên tôi xin nói rằng, phụ huynh không nên tuyệt đối hóa các công nghệ hiện nay mà vẫn cần người thầy. Người thầy đó không nhất thiết phải là những giáo viên đứng lớp, phụ huynh cũng là thày.  Nhưng phụ huynh đừng lôi công nghệ ra để đè lên đầu con em mình” – thầy Hùng phân tích.

Thứ nữa, để con cái học tiếng Anh một  cách thành công, theo thầy Hùng, phụ huynh đừng tham vọng về con cái và đừng tuyệt đối hóa vai trò của tiếng Anh. Hiện nay, nhiều người đang tuyệt đối hóa bằng tiếng Anh nên áp đặt lên trẻ con rất nặng nề. 

Học tiếng Anh là cần thiết nhưng tùy từng đối tượng khác nhau mà cần ở mức độ khác nhau. Do đó phụ huynh đừng ép con mình học từ bé.

“Chúng ta đi hội nhập, nhưng chúng ta có mang tiếng Anh đi hội nhập đâu? Chúng ta có “chiến đấu” trên thương trường quốc tế bằng tiếng Anh đâu. Chúng ta không hội nhập bằng tiếng Anh, chúng ta bán gạo chứ có bán tiếng Anh đâu. Chúng ta dùng tiếng Anh  để bán gạo. Các nhà khoa học ra thế giới có phải thi xem ai giỏi tiếng Anh ai kém tiếng Anh đâu mà là trình bày các công trình của mình, sáng tạo của mình với giới khoa học. Tiếng Anh chỉ là công cụ. Và cũng không ai đòi hỏi nhà khoa học phải nói tiếng Anh chuẩn như người Anh. Ngay cả các thầy giáo giờ cũng không thể nói chuẩn tiếng Anh như người Anh. Cho nên phụ huynh không nên tuyệt đối hóa bằng tiếng Anh” – Thầy Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Chính vì thế, thầy cho rằng học tiếng Anh là cần thiết nhưng tùy từng đối tượng khác nhau mà cần ở mức độ khác nhau.  Do đó phụ huynh đừng ép con mình học từ bé. Cho đi học từ bé là rất tốt nhưng đừng ép các cháu học từ bé theo tham vọng của mình.

“Nhiều phụ huynh hỏi tôi con tôi học tiếng Anh từ bé, làm thế nào hết tiểu học cháu có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh thành thạo. Tôi xin nói thẳng không làm được” – Thầy Hùng một lần nữa khẳng định.

Thầy cũng chỉ ra một số quan điểm sai lầm của phụ huynh đó là học với Tây mới chuẩn. Đây là một sai lầm phổ biến. Vì để học được tiếng Anh chuẩn thì phải do người thiết kế chương trình phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ.

“Trẻ con dưới 7 tuổi không học được, chỉ có chơi, qua chơi học được cái gì là phần thưởng của nó. Trẻ con chơi, nếu thích cái gì sẽ tiếp thu cái đó. Phụ huynh nếu đặt mục tiêu phù hợp với năng lực của trẻ là thành công. Nhiều người đặt  mục tiêu quá cao nên công việc đáng lẽ thành công thì cho là thất bại. 4.0 là để cho người lớn chứ không phải cho trẻ con” – thầy Hùng cho hay.