> Năm 2012, kéo lạm phát xuống 9%
> Ai mua công ty chứng khoán không…
> Một năm nhìn lại thị trường bất động sản
Lo nhiều bất lợi
Gần đây, nhiều DN bất ngờ xin hủy niêm yết, rút khỏi TTCK, như: CSG (Cáp Sài Gòn), TRI (Nước Giải khát Sài Gòn), S27 (CTy CP Sông Đà 27 và ORS (chứng khoán Phương Đông). Trước đó, cũng có 5 DN khác xin hủy niêm yết, gồm: Cty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Cty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), Thực phẩm Quốc tế (IFS), Xây dựng số 11 (V11) và Hóa Dược phẩm Mekophar (MKP)...
Lý giải hiện tượng trên, nhiều DN cho rằng, lên sàn không huy động được vốn và giá xuống thê thảm, trong khi đó lại bị soi mói nhiều hơn. Nên xin rút cho yên ổn. Trên thực tế, đúng là việc huy động vốn bằng cổ phiếu đang rất khó khả thi khi giá phát hành thấp hơn mệnh giá 10.000đ/CP.
Trong khi, với xu hướng lao dốc không phanh của TTCK, có tới 400/700 cổ phiếu trên hai sàn đang có thị giá thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng (với nhiều mã đứng ở mức 2.000-5.000 đồng/cổ phiếu). Nên DN thấy lên sàn chỉ thêm thua thiệt.
Một lý do nữa, được các DN đưa ra, đó là mục tiêu bảo vệ DN khỏi bị thâu tóm. Trên thực tế, nguy cơ thâu tóm sáp nhập rất rõ rệt khi giá trị vốn hóa công ty thấp hơn nhiều lần so với quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản do “cơn lốc” giảm giá trên TTCK.
Điển hình nhất vừa qua là vụ đại gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer-MSF), cũng trên sàn chứng khoán HOSE đã đề nghị chào mua hơn 50% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF). Dù HĐQT VCF đã phải họp phiên bất thường nhưng kết quả sau hơn 1 tháng, Masan đã mua được số cổ phần mong muốn.
Ngoài ra, nhiều DN trong số đã huỷ niêm yết cũng nói thẳng: “Không muốn công bố thông tin thường xuyên khi tình hình kinh doanh đang gặp nhiều bất lợi”.
Hủy sẽ phải lấy ý kiến cổ đông đại chúng
Trưởng bộ phận phân tích một công ty chứng khoán phân tích: “Ở góc độ thị trường, DN hủy niêm yết sẽ gây thiệt hại quyền lợi của cổ đông nhỏ (mặc dù trên thế giới hủy niêm yết là bình thường, nhưng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ khi DN hủy niêm yết).
"Lên sàn chứng khoán có rất nhiều điểm lợi, nhưng ở đó không phải tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Quản trị không tốt, thông tin không minh bạch, công khai... có thể khiến DN đi xuống. Hủy niêm yết tức là DN thừa nhận mình thất bại”. - TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia chứng khoán. |
Ngoài ra, đồng nghĩa với huỷ, DN sẽ trở thành DN đại chúng giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Trong khi đó, thị trường OTC hiện nay gần như đóng băng, tức là cổ đông thì không bán được cổ phiếu, còn DN cũng tắc đường huy động vốn qua thị trường này. Nên huỷ niêm yết, cổ đông nhỏ là thiệt thòi nhất, vì gần như chỉ còn quyền lợi duy nhất là ngồi chờ hưởng cổ tức hàng năm.
Trả lời câu hỏi về trào lưu hủy niêm yết đang diễn ra của các DN trên sàn, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho rằng, việc có vào có ra là không tránh khỏi. Tuy nhiên, hầu hết DN hủy niêm yết thời gian qua do các vấn đề nội bộ chứ không đơn giản là giá cổ phiếu hay việc khó khăn về huy động vốn như bản thân các DN công bố.
“Điều này xuất phát từ cái nhìn ngắn hạn về lợi ích của một nhóm cổ đông lớn trong DN, thay vì lợi ích của cổ đông đại chúng (có tỷ lệ nắm giữ áp đảo trên 65% sẽ dễ dàng thông qua việc hủy niêm yết)”- ông Bằng nói.
Vậy cơ quan quản lý có biện pháp gì? Theo ông Bằng, thời gian tới, UBCKNN sẽ xem xét đưa vào những quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện hủy và tái niêm yết cổ phiếu của các DN. Chẳng hạn, muốn hủy niêm yết, DN phải lấy ý kiến cổ đông đại chúng. Nói về cơ hội quay lại với thị trường của các DN, ông Vũ Bằng cũng lưu ý: “Sau này, DN không phải muốn vào là được ngay, phải có tiêu chuẩn, điều kiện nâng cao và phải cụ thể hóa bằng văn bản”.
Theo chuyên gia chứng khoán, TS Đinh Thế Hiển, hiện tượng này cho thấy TTCK đang thiếu vắng niềm tin của nhà đầu tư và quan trọng hơn người chủ của DN niêm yết chưa tìm đúng cách để khôi phục niềm tin cho cổ đông, mà họ chỉ quan tâm tới lợi ích riêng của mình.