Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019:

Thấy gì sau 2 năm mở cửa

Hai năm qua kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội
Hai năm qua kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội
TP - Sau 2 năm đưa Nghị Quyết 10 (Hội nghị Trung ương 5) về phát triển Kinh tế khu vực tư nhân đi vào cuộc sống, bức tranh kinh tế tư nhân đã có những bước đột phá và đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh gam màu sáng lấp lánh, vẫn còn vô số khó khăn thách thức đặt ra. Diễn đàn kinh tế tư nhân (KTTN) năm 2019 được tổ chức vào ngày 2&3 tháng 5 này nhằm đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện các Nghị quyết này.

Nghị quyết 10:  Mở cánh cửa cho kinh tế tư nhân phát triển  

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: “Tại Nghị quyết lần này, Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.”

Điểm lại toàn cảnh bức tranh kinh tế tư nhân (tại Báo cáo tổng kết 2 năm), Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Đã thấy những bước đột phá mới của kinh tế tư nhân. Đơn cử, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên. Từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Cùng đó, theo Ban kinh tế Trung ương, hai năm qua, tinh thần khời nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động; hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công. 

Điểm nhấn nổi bật: Kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới.  Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm).  Kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động).
Ngoài ra, kinh tế tư nhân còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).  

Đặc biệt, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm.

Nhiều chỉ số tụt hạng, vẫn còn bất cập 

Tuy nhiên, Ban kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại. Đó là: Môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, thậm chí có dấu hiệu chững lại; còn nhiều rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân chưa được tháo gỡ. Cụ thể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia, giảm 1 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 5 trong các nước ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei), xếp thứ 8/25 quốc gia khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Việc thành lập doanh nghiệp của chúng ta đứng thứ 104/190 quốc gia với 8 thủ tục và mất 17 ngày để hoàn tất thủ tục. Cấp phép xây dựng đứng thứ 21/190 quốc gia, giảm 9 bậc so với năm 2016 và không có đổi mới về thủ tục, số ngày xử lý trong năm 2017, 2018. Đăng ký tài sản đứng thứ 60/190 quốc gia, giảm 2 bậc so với năm 2016 và không có đổi mới về thủ tục (10) và số ngày xử lý (166 ngày)trong năm 2017, 2018. Tiếp cận tín dụng đứng thứ 32/190 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2016. 

Kế đó, nộp thuế đứng thứ 131/190 quốc gia với 10 lần nộp/năm và thời gian mất 498 giờ/năm. Thương mại qua biên giới đứng thứ 100/190 quốc gia với 55 giờ kiểm tra thông quan xuất khẩu và 56 giờ kiểm tra thông quan nhập khẩu. Thực hiện hợp đồng đứng thứ 62/190 quốc gia, không có sự cải thiện về thời gian và chi phí giải quyết trong năm 2017, 2018. Giải quyết phá sản đứng thứ 133/190 quốc gia, không có sự cải thiện đáng kể nào về thời gian (5 năm), chi phí (14,5%) và tỷ lệ thu hồi tài sản (21,3 xu/USD) trong năm 2017, 2018. Mức độ cải thiện môi trường kinh doanh chưa đồng đều, cảm nhận của doanh nghiệp về sự cải thiện chưa cao. 

Thực trạng trên, Ban kinh tế Trung ương nhận xét: có 2 vấn đề dẫn đến xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam chậm được cải thiện, thậm chí chững lại: Một là, mức độ, hiệu quả cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp hơn nhiều quốc gia; Hai là, hiệu quả triển khai các chính sách, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế còn hạn chế.

“Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương với những giải pháp cụ thể về: huy động vốn, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực, thông tin thị trường... và thúc đẩy liên kết với khu vực FDI và DNNN trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị".
 Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
(trích báo cáo Chính phủ do Thủ tướng trình bày về tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019)

Theo Ban kinh tế Trung ương, trước những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức  trên, nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá, nhất là về cải thiện môi trường kinh doanh và thiếu sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành của nhân dân và khu vực kinh tế tư nhân thì một số mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2020 khó đạt được. Nhất là mục tiêu đạt được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 50% và tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. 

Trong 2 ngày (mùng 2 và 3 tháng 5) tại Hà Nội, Chính phủ và Ban kinh tế trung ương đồng chủ trì và tổ chức DIễn dàn kinh tế tư nhân  2019. Sự kiện  dự kiến thu hút khoảng 4300 lượt đại biểu và doanh nghiệp các khối tư nhân cùng các chuyên gia, nhà quản lý tham dự. Diễn đàn sẽ đề xuất, kiến nghị và “hiến kế” với Đảng, Chính phủ, Quốc hội tại các phiên đối thoại những ý kiến tâm huyết nhằm tạo động lực đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước giai đoạn tới.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.