Thấy gì qua lễ công nhận giáo sư năm nay?

GS trẻ nhất Phan Thanh Sơn Nam nhận chứng nhận chức danh và hoa do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao tặng. Ảnh: Hồ Thu.
GS trẻ nhất Phan Thanh Sơn Nam nhận chứng nhận chức danh và hoa do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao tặng. Ảnh: Hồ Thu.
TP - Trong số 644 người hôm qua nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, có 1 tân giáo sư 37 tuổi; 2 tân phó giáo sư 33 tuổi.

Sáng 4/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐ CDGSNN) tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS),  phó giáo sư (PGS) năm 2014 cho 644 người.

Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch HĐ CDGSNN đã đến dự và trao giấy chứng nhận cho các tân GS, PGS.

Nhiều điểm đặc biệt

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐ CDGSNN cho biết: Năm 2014 có 822 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; qua 3 vòng sàng lọc, bỏ phiếu, HĐ CDGSNN đã xét và công nhận 59 GS và 585 PGS của năm 2014. Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, đợt công nhận chức danh GS, PGS năm nay có rất nhiều điểm đặc biệt.

GS trẻ nhất và GS cao tuổi nhất năm 2014 cũng là GS trẻ nhất và cao tuổi nhất trong lịch sử 38 năm qua. Đó là các tân GS Phan Thanh Sơn Nam, 37 tuổi, chuyên ngành Hóa học, giảng viên trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TPHCM và GS Lê Ngọc Canh, 81 tuổi, chuyên ngành Nghệ thuật, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật T.Ư - HN.

Chức danh PGS trẻ nhất năm nay (33 tuổi) được trao cho 2 người cùng sinh năm 1981 là TS Từ Trung Kiên, chuyên ngành chăn nuôi, trường ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên và TS Hoàng Quý Tỉnh, chuyên ngành Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Có một cặp vợ chồng cùng sinh năm 1962, đi du học cùng năm 1983 tại CHLB Nga, cùng ngành Tâm lý học, cùng công tác tại Viện Tâm lý học, Viện KHXHVN và cùng được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành tâm lý đợt này đó là chị Đỗ Ngọc Khanh (học Postdoc ở Úc) và anh Lê Văn Hải (học thạc sĩ tại Úc).

Một điểm đặc biệt nữa của năm nay là, có 2 tân GS là thứ trưởng (Bộ Y tế và Bộ TN&MT): bác sỹ Nguyễn Viết Tiến (Anh hùng lao động, nhà giáo ưu tú) và nhà giáo ưu tú Bùi Cách Tuyến nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM. Ngoài ra, có 4 tân PGS là dân tộc Tày, trong đó có 1 nữ.

“Mỏng” về số lượng và chất lượng

Theo GS Nhung, nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ nhưng vẫn chưa trẻ được như ở các nước phát triển. Ví dụ,  năm 22 tuổi, Terence Tao nhận bằng TS và năm 24 tuổi đã trở thành GS của UCLA (Mỹ) và là GS trẻ nhất trong lịch sử của trường này cho đến nay. GS Ngô Bảo Châu được phong GS ở Pháp khi mới 32 tuổi và ở Việt Nam năm 33 tuổi. Cũng theo GS Nhung,  2 thầy giáo lão thành được công nhận GS, PGS ở độ tuổi 81 có thể xem là những hiện tượng hiếm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Nhận định về đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2014, GS Trần Văn Nhung nói: Không ít tân GS, PGS trẻ nhưng đã có công bố rất nhiều bài báo khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước, được trao những giải thưởng quốc gia và quốc tế cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh)  và CNTT rất cao.

Theo thống kê của HĐ CDGSNN, từ năm 1976 đến nay,  sau 38 năm, có 11.097 GS, PGS được công nhận ở nước ta. Hiện nay chúng ta có hơn 1,7 triệu sinh viên  và 74.630 giảng viên đại học, trong đó có 4.155 GS, PGS. Như vậy, chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên vạn dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu). Tính ra, không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên mới có 1 GS hoặc PGS.  GS, TSKH Trần Văn Nhung kết luận:  đội ngũ GS, PGS ở nước ta, đỉnh cao nhất của nhà giáo, khá “mỏng” về số lượng và chất lượng. 

Người trẻ cần được quan tâm để làm khoa học

Tân GS Phan Thanh Sơn Nam làm nghiên cứu sinh tại Anh theo học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam, làm sau tiến sĩ tại Mỹ và là tác giả của 62 bài báo khoa học đăng ở trong nước và 37 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Tân GS Phan Thanh Sơn Nam đề đạt nguyện vọng:  giới nghiên cứu khoa học mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa, đặc biệt trong việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ và quản lý tài chính để tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian cho khoa học, để làm việc và cống hiến hiệu quả nhất. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...