Thấy gì qua cuộc chiến truyền thông giữa Triều Tiên và Trung Quốc

Ảnh: KCNA
Ảnh: KCNA
TPO - Truyền thông Triều Tiên và Trung Quốc đang chìm trong mâu thuẫn sau khi hãng thông tấn chính thức của Bình Nhưỡng đưa ra lời tố cáo nặng nề hiếm thấy về Trung Quốc- nước đồng minh chính và là nhà bảo trợ ngoại giao của Triều Tiên.

Bài xã luận được hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải cho rằng Bắc Kinh nên biết ơn Bình Nhưỡng vì sự bảo vệ của Triều Tiên và cảnh báo về “các hậu quả nghiêm trọng” nếu Trung Quốc tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của Triều Tiên.

Đáp lại, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Triều Tiên đang bị kìm kẹp bởi "lối suy nghĩ phi lý" về các chương trình vũ khí của mình. 

Thực tế cuộc "bút chiến" giữa giới truyền thông Trung Quốc và Triều Tiên đã nhen nhóm từ hôm 30/4 khi tờ Nhân dân Nhật báo-cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng tải bài xã luận cho rằng “các tham vọng hạt nhân và tên lửa đã khiến Triều Tiên và toàn khu vực chìm trong hiểm họa kinh hoàng”.

Tờ báo nhấn mạnh Triều Tiên “không được phép đi theo con đường sai trái của các vụ thử hạt nhân và phóng thử tên lửa vốn sẽ chỉ dẫn đến các vòng trừng phạt”.

Tờ báo cũng nhắc lại các phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đã nói rõ trong cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc hôm 28/4 rằng Trung Quốc dù là "đồng minh với Triều Tiên nhưng không phải là nước duy nhất chịu trách nhiệm về việc buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của mình".  

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã được củng cố trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước và cường quốc châu Á hiện vẫn là nhà cung cấp viện trợ chính và có hoạt động giao thương với nước láng giềng "khó bảo" này.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bắt đầu trở nên gay gắt trong những năm gần đây khi Trung Quốc ngày một tức giận trước chương trình hạt nhân của Triều Tiên và lo sợ về cuộc khủng hoảng trong khu vực. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy ông này sẽ tới thăm Bắc Kinh sau hơn 5 năm cầm quyền. 

Theo các chuyên gia phân tích, các tranh cãi trên truyền thông là dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đã tổn hại đến mức độ nào. KCNA vẫn thường lên án mạnh mẽ chính quyền Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng rất hiếm khi "nổi cơn lôi đình" với Trung Quốc.

Bài xã luận là lời chỉ trích rõ ràng và cay nghiệt nhất của Triều Tiên nhằm vào Trung Quố. Điều này cho thấy Triều Tiên đang lo ngại Trung Quốc sẽ ngày càng "ủng hộ" việc Mỹ gia tăng sức ép trừng phạt Bình Nhưỡng, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước.

Mặc dù các căng thẳng giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã âm ỉ trong nhiều tuần qua nhưng Trung Quốc vẫn hy vọng rằng các cuộc đối thoại ngày một tăng lên sẽ loại bỏ nguy cơ hành động quân sự.

Ngày 3/5, Trung Quốc đã kêu gọi cả hai bên “ngừng chọc giận lẫn nhau” và “tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế”. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại rằng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 được cho là có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay. 

MỚI - NÓNG